Phụ nữ dân tộc Krông Ana thoát nghèo và làm giàu từ tín dụng chính sách
Chị Quyền chăm sóc đàn dê của gia đình.

Làm giàu ngay trên mảnh đất nhà mình

Về Krông Ana, câu chuyện những người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) “sắn tay” cùng chồng lo toan phát triển kinh tế gia đình không còn là hiếm. Như gia đình chị Ksor H’Nghier (buôn Nông Siu), trước đây, hai vợ chồng chủ yếu trồng lúa nên cuộc sống rất khó khăn. Được sự vận động, hỗ trợ của cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã, chị đã vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để chuyển đổi sang trồng mì kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi nên kinh tế của gia đình ngày càng phát triển, hiện gia đình chị mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng.

Chị Kpă H’Pưih phấn khởi cho biết: “Nhờ được vay vốn ưu đãi cùng với cán bộ Hội LHPN xã hướng dẫn cách thức chăn nuôi, trồng trọt khoa học nên thu nhập của gia đình khá hơn nhiều so với trước đây và đã thoát nghèo. Tôi cố gắng tích lũy thêm vốn mở rộng trồng trọt, chăn nuôi để có điều kiện lo cho các con ăn học và xây dựng nhà cửa khang trang hơn”.

Cũng nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã để tiếp cập nguốn vốn từ NHCSXH mà gia đình chị Ksor H’Nghier (buôn Nông Siu) trước đây nguồn thu nhập chủ yếu từ việc làm thuê, làm mướn nên chuyện thiếu ăn, thiếu mặc luôn xảy ra. Đến nay mỗi năm đã có thu nhập gần 50 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt trên mảnh đất của mình.

“Nhờ Hội LHPN xã động viên, khuyến khích thay đổi cách thức làm ăn nên kinh tế gia đình tôi ngày càng ổn định. Thời gian tới, tôi sẽ học hỏi thêm các mô hình làm ăn hiệu quả để mở rộng diện tích cây trồng, tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời mong muốn tiếp tục được các cấp Hội Phụ nữ giúp đỡ thêm về nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất”-chị H’Nghier nói.

Dự định chăn nuôi từ lâu nhưng vì không có vốn đầu tư nên vợ chồng chị Huỳnh Thị Mộng Quyền (ở thôn 5, xã Cư Mốt, huyện Ea H'leo) mãi không khởi nghiệp được. Tháng 5/2020, chị Quyền được vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để đầu tư nuôi dê sinh sản. Chăn nuôi thuận lợi, từ 6 con dê mẹ ban đầu, đến nay gia đình chị đã gây đàn lên gần 40 con dê lớn, nhỏ thuộc giống dê bách thảo.

Qua hai năm nuôi dê thành công, vợ chồng chị Quyền tích lũy được vốn để đầu tư nuôi thêm bò và trồng trọt. Hiện nay, trên diện tích hơn 9 sào đất, chị trồng hơn 600 cây cà phê, 250 trụ tiêu, mỗi năm thu hơn 1 tấn cà phê và 6 tạ tiêu, với tổng thu nhập gần 100 triệu đồng.

Nói về phong trào chị em phụ nữ DTTS vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ mảnh đất nơi mình sinh sống, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Rmok Nguyễn Thị Ly Na chia sẻ: “Để giúp hội viên phụ nữ phát triển sản xuất ổn định, Hội đã tạo điều kiện cho chị em tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời xây dựng các mô hình chi tiêu tiết kiệm, kêu gọi các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất”.

Phụ nữ dân tộc thiểu số Krông Ana thoát nghèo và làm giàu từ tín dụng chính sách
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk.

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác Hội và phong trào phụ nữ 6 tháng đầu năm; triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Hội LHPN huyện Krông Ana vừa mới tổ chức cho thấy, riêng 6 tháng đầu năm 2022, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện đã tổ chức 4 lớp học nghề cho 88 hội viên phụ nữ trên địa bàn; trao vốn hỗ trợ hơn 82 triệu đồng cho 10 mô hình phát triển kinh tế gia đình của phụ nữ; hỗ trợ hội viên phụ nữ khó khăn bằng nhiều hình thức như xây dựng nhà ở, thăm hỏi, tặng quà, xây dựng công trình vệ sinh... với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng.

Ngoài ra, các cấp Hội tiếp tục làm tốt công tác ủy thác với NHCSXH và quản lý các nguồn vốn vay, giúp chị em mở rộng vốn sản xuất phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Tính đến 31/5/2022 tổng dư nợ tại NHCSXH huyện do các cấp Hội quản lý là gần 113 tỷ đồng, không có tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn. 6 tháng năm 2022, Hội đã phát triển được 154 hội viên mới tại cơ sở, đạt 97,47%; ghi nhận 27 gương phụ nữ điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực.

Tham mưu để triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn

Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, Hội LHPN huyện Krông Ana tiếp tục phát huy hiệu quả ủy thác cho vay tín dụng chính sách, giữ vững vị thế dẫn đầu trong công tác ủy thác cho vay tín dụng chính sách xã hội, góp phần cùng NHCSXH thực hiện hoàn thành kế hoạch tín dụng năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao và các chính sách tín dụng thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Đồng thời tích cực phối hợp với NHCSXH cùng cấp để tăng cường củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng; tiếp tục tham mưu Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

Trong đó, tập trung tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan lồng ghép hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình SXKD điển hình,... để giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội.

Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đã chỉ ra bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng đói nghèo. Chính vì vậy việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một công cụ trực diện giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới, đồng thời phát huy sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế “có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, tích cực lao động sản xuất, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Đây là quan điểm và đích đến mà Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hướng đến thông qua việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua.