Lễ hội Gầu Tào được tái hiện với đầy đủ phần lễ và phần hội. Nghi lễ đặc sắc và được chú ý nhất là lễ dựng cây, sau đó chủ lễ cúng tạ ơn trời đất, thần linh đã cho gia đình, cộng đồng mạnh khỏe, hạnh phúc, mùa màng bội thu và cầu xin thần linh tiếp tục phù hộ độ trì cho mọi người một năm mới nhiều may mắn.

Thái Nguyên: Phục dựng Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông
Lễ hội Gầu Tào tại xã có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mông. Ảnh: TN

Tại lễ hội, người dân, du khách được thưởng thức các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông, trải nghiệm các hoạt động thể thao dân gian truyền thống như đẩy gậy, đánh quay..., trong không khí phấn khởi, thắm tình đoàn kết.

Lễ hội Gầu Tào là sinh hoạt tín ngưỡng có từ lâu đời của đồng bào Mông. Lễ hội thường được tổ chức vào dịp đầu năm mới. Xã Phú Đô có 2 xóm Phú Thọ, Na Sàng chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Người dân tộc Mông nơi đây vẫn tổ chức Lễ Gầu Tào với quy mô nhỏ.

Hoạt động phục dựng Lễ hội Gầu Tào tại xã có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch địa phương./.