Lan tỏa và làm sâu sắc thêm tinh thần hợp tác
Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhấn mạnh: Trong nhiều thế kỷ, sông Mê Kông đóng vai trò huyết mạch, không chỉ cho vùng đất mà còn cho tinh thần chung của Việt Nam, Lào và Campuchia. Đan xen vào dòng chảy đó là những "sợi chỉ" về di sản Phật giáo chung - một "tấm thảm thêu" về lòng từ bi, bất bạo động và quản lý môi trường; gắn kết cộng đồng Phật giáo 3 nước với nhau trong tình huynh đệ tâm linh sâu sắc.

Tuy nhiên, sông Mê Kông hiện phải đối mặt với nhiều thách thức suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, nghèo đói và bất bình đẳng xã hội đe dọa đến cơ cấu cuộc sống. “Do vậy, các Tăng đoàn và cộng đồng Phật tử phải sát cánh cùng nhau tạo ra sự thay đổi tích cực; đặc biệt, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai không chỉ là lễ kỷ niệm mà là lời kêu gọi hành động, hợp tác bền vững” - Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh.

Để lan tỏa và làm sâu sắc thêm tinh thần hợp tác, biến lời hứa của hội nghị thành những lợi ích hữu hình cho người dân và sự phát triển liên tục của Phật giáo Việt Nam, Lào, Campuchia, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh việc quan hệ đối tác học thuật mở rộng, bảo vệ môi trường, trao đổi văn hóa, nuôi dưỡng đối thoại liên văn hóa, giá trị thách thức được chia sẻ.

Lan tỏa và làm sâu sắc thêm tinh thần hợp tác
HT.Thích Thiện Nhơn trao tặng quà của GHPGVN cho HT. Mahabounma Simmaphom - Phật giáo Lào

"Hội nghị lần này sẽ là động lực để chuyển thành hiện thực chứ không chỉ là ký ức đơn thuần. Hãy biến ngọn lửa nhỏ của niềm hy vọng thành ngọn lửa của sự đoàn kết, lòng từ bi và sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy - một di sản cho thế hệ mai sau" - Hòa thượng Thích Thiện Nhơn kêu gọi.

Cùng quan điểm, Hòa thượng Vong Kim Sorn - Chủ tịch Ban Thư ký Hội đồng Tăng thống Phật giáo Tối cao, Vương quốc Campuchia cũng kêu gọi tăng cường liên kết hợp tác Phật giáo giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia; chia sẻ mối liên hệ lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia; đồng thời khẳng định cội nguồn chung này là minh chứng cho các mối liên hệ đã hình thành nên cảnh quan văn hóa của chung cần phải tiếp tục phát triển, mở đường cho tương lai hợp tác Phật giáo Đông Nam Á sôi động hơn.

Để tăng cường sự hợp tác giữa các bên, Hòa thượng Vong Kim Sorn đề xuất ba trụ cột quan trọng gồm: giáo dục, văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo có vai trò là nền tảng, để tạo dựng những mối liên kết mới, nuôi dưỡng lòng nhân ái và tôn vinh sự liên kết giữa các truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa.

Lan tỏa và làm sâu sắc thêm tinh thần hợp tác
HT.Thích Thiện Nhơn trao tặng quà của GHPGVN cho HT. Vong Kim Sorn Phật giáo Campuchia

Tại hội nghị, Hòa thượng Mahabounma Simmaphom - Chủ tịch Tổ chức Phật giáo Trung ương Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào chia sẻ nhiều thông tin về Phật giáo Lào, việc tái kết nối xuyên sông Mê Kông; tạo dựng những mối liên kết mới trong giáo dục, văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo và chia sẻ thành quả của di sản đang nở rộ. Đồng thời, tin tưởng Hội nghị lãnh đạo Phật giáo lần này là mảnh đất màu mỡ để gieo trồng những hạt giống hợp tác đổi mới và chia sẻ trí tuệ trên tinh thần kết nối vùng Mê Kông: đổi mới quan hệ Phật giáo Việt Nam, Lào, Campuchia./.