Giúp bà con dân tộc phát triển nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả

Sau hơn một năm đi vào cuộc sống, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã có những tác động tích cực tới các đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Bình và một số địa phương.

Vốn tín dụng: Cơ hội thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Vốn tín dụng: Cơ hội thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo ghi nhận của phóng viên, vào những ngày cuối năm, theo chân cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội đến thăm những hộ gia đình được vay vốn và đã sử dụng vốn vay hiệu quả tại xã vùng cao Cúc Phương. Đây là địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nhất huyện Nho Quan. Tại đây, nguồn vốn ưu đãi đã giúp bà con phát triển nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả.

Tại gia đình anh Đinh Văn Hưng (dân tộc Mường) ở thôn Sấm 2, xã Cúc Phương là một trong những hộ đầu tiên được vay vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ.

Gia đình anh Hưng thuộc diện hộ nghèo, hai vợ chồng làm thuê quanh năm vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống. Tháng 10/2022, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn Sấm 2, gia đình anh đã biết đến nguồn vốn ưu đãi từ Chương trình và được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nho Quan tạo điều kiện vay 100 triệu đồng để chuyển đổi nghề.

Anh Hưng tâm sự: “Nguồn vốn ưu đãi đã giúp gia đình tôi mua 4 con bò. Đến nay, bò đã sinh sản, đàn bò của gia đình hiện có 12 con với giá trị trên 200 triệu đồng. Tôi rất vui vì nhờ nguồn vốn này gia đình tôi có việc làm ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại tỉnh Ninh Bình hiện có 7 xã của huyện Nho Quan thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng ưu đãi từ Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương này có quỹ đất nông nghiệp, đất ở eo hẹp và cuộc sống còn nhiều khó khăn.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung thực hiện hiệu quả Nghị định 28/2022/NĐ-CP. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, UBND các cấp, Tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách cho vay hỗ trợ đất, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp biết và thực hiện.

Quảng Ngãi: Đồng bào vay vốn xây nhà tạm, đầu tư phát triển sản xuất

Tại Quảng Ngãi, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã và đang triển khai hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đoạn giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025 giúp hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh xây dựng nhà mới, đầu tư phát triển sản xuất từng bước vươn lên thoát nghèo.

Vốn tín dụng: Cơ hội thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Người dân còn được vay vốn xây nhà kiên cố, xóa nhà tạm.

Gia đình chị Đinh Thị Riêng, thôn Làng Mùng, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà là hộ nghèo, nguồn kinh tế của gia đình chỉ trông chờ vào ba sào mì và chăn nuôi lợn. Trước đây, cả gia đình chị sống trong một ngôi nhà tạm, thường xuyên bị thấm dột trong mùa mưa, bão.

Đầu năm 2023, gia đình chị Riêng được hỗ trợ 40 triệu đồng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hà cho vay thêm 40 triệu đồng, cùng 20 triệu đồng gia đình tích góp được, chị Riêng đã xây dựng được một ngôi nhà kiên cố hơn 100 triệu đồng, hoàn thành vào những ngày đầu tháng 12 này.

Có nhà mới khang trang, chị Riêng đã xây dựng thêm chuồng nuôi lợn hợp vệ sinh, không còn nuôi bên cạnh nơi ở như trước nữa; đồng thời, chị mở một tiệm tạp hóa nhỏ buôn bán tăng thêm thu nhập. Chồng chị Riêng cũng đã xin được việc làm công nhân ở khu công nghiệp. Chị Riêng cho biết, trước đây ở nhà dột nát, giờ có nhà mới ở an toàn, mùa mưa bão đến không thấy sợ thấm dột nữa. Mối lo nhà ở của vợ chồng chị hơn chục năm qua đã được trút xuống. Vợ chồng chị sẽ nỗ lực làm ăn để thoát nghèo, nhường suất hộ cận nghèo cho những hộ khó khăn hơn trong những năm tới.

Cũng được hỗ trợ kinh phí, vốn vay làm nhà theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, gia đình anh Đinh Văn Xí, chị Đinh Thị Như và Đinh Văn Bôi, chị Đinh Thị Man, xã Sơn Trung, các hộ gia đình gặp khó khăn về nhà ở cũng đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi xây dựng nhà ở an toàn trước mùa mưa bão năm 2023.

Anh Đinh Văn Xí chia sẻ: "Trước đây nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình sẽ có được một ngôi nhà mới trị giá cả trăm triệu đồng. Trong tổ ấm mới vững chãi, an toàn này, tôi đã không còn nỗi lo mỗi mùa mưa bão. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, Ngân hàng chính sách xã hội đã quan tâm chăm lo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; chính sách hỗ trợ người dân xây nhà, an cư là động lực lớn để gia đình tôi cũng như các hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững".

Có thể nói, việc triển khai Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về cho vay tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đoạn giai 2021 - 2023, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025 là thực sự cần thiết, có ý nghĩa rất lớn, giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thoát nghèo bền vững./.