Bảo tồn bản sắc văn hóa Phật giáo và lan tỏa tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Nguyễn Văn Thảo.

Đây cũng là trọng tâm trong chuyến công tác phật sự châu Âu của đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam dẫn đầu.

Ngày 21/4, tới thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Brussels, Thượng tọa Thích Thọ Lạc cho biết Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn chú trọng lan tỏa văn hóa Phật giáo Việt Nam ra nước ngoài để chính quyền và người dân nước sở tại nhìn nhận đúng đắn về vị thế và nền văn hóa của Việt Nam.

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có các Hội Phật tử, Trung tâm văn hóa Phật giáo của cộng đồng người Việt Nam ở 33 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều tổ chức nhiều đoàn hoằng pháp đi thăm các nước, thuyết giảng Phật pháp và tổ chức các lễ cầu an, Tết cổ truyền của dân tộc, Lễ Phật đản, Lễ Vu lan phục vụ bà con Việt kiều tại các Trung tâm văn hóa Phật giáo tại các nước; mở các lớp dạy tiếng Việt cho các thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt tại các nước.

Thượng tọa Thích Thọ Lạc cũng giới thiệu việc triển khai 4 đề án: Ngôn ngữ, Pháp phục, Kiến trúc và Di sản do Thượng tọa chủ trì theo sự giao phó của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chia sẻ về mục tiêu, ý nghĩa của 4 đề án, Thượng tọa Thích Thọ Lạc nhấn mạnh Phật giáo du nhập vào Việt Nam hơn 2.000 năm qua, các thế hệ tiền bối Phật giáo Việt Nam luôn chú trọng xây dựng bản sắc của Phật giáo Việt Nam, song giai đoạn hiện nay do nhiều nguyên nhân khác nhau, bản sắc đó có phần mờ nhạt, vì vậy việc bảo tồn, phát huy bản sắc, đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam là một việc làm hết sức có ý nghĩa.

Bảo tồn và phát huy bản sắc và văn hóa truyền thống của dân tộc, giữ gìn tiếng Việt đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là trọng tâm công tác, nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với thế giới.

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ kiêm nhiệm Đại công quốc Luxembourg và Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU), Nguyễn Văn Thảo, đã giới thiệu với các thành viên đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Bỉ và EU về kinh tế, thương mại, văn hóa.

Đại sứ nhấn mạnh Đảng, Nhà nước ta luôn xác định công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn dân và ban hành nhiều văn bản như Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới… nhằm phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp với lợi ích quốc gia-dân tộc; đồng thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đại sứ đánh giá cao các hoạt động phật sự gắn bó cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh hơn 13.000 kiều bào Việt Nam hiện đang sinh sống tại Bỉ và đa số đều là Phật tử đều luôn có tinh thần hướng về quê hương, giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc.

Đặc biệt, chùa Hoa Nghiêm ở Brussels do sư cô Thích Nữ Đàm Phương trụ trì luôn tổ chức nhiều hoạt động yêu nước như ủng hộ đồng bào lũ lụt, ủng hộ máy móc, thiết bị phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho một số bệnh viện tỉnh thành trong nước.

Đại sứ mong muốn Giáo hội Phật giáo Việt Nam tăng cường hơn nữa các hoạt động phật sự tại châu Âu nói chung và tại Bỉ nói riêng để gắn kết bà con và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo của Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại châu Âu từ ngày 12/4-12/5, ngày 17/4, Thượng tọa Thích Thọ Lạc và các thành viên trong đoàn đã tới dự lễ đặt đá khởi công xây dựng chùa Đồng Tâm, công trình thuộc Hội văn hóa Phật giáo Việt Nam tại thành phố Erfurt, Cộng hòa liên bang Đức.

Đây là ngôi chùa với kiến trúc Việt Nam sẽ là điểm du lịch tâm linh cho bạn bè quốc tế và bà con yêu mến Văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Đoàn cũng đã tới thăm chùa Hoa Nghiêm ở thủ đô Paris (Pháp) và chùa Hoa Nghiêm ở thủ đô Brussels./.