Bình Phước: Nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc, tôn giáo phát triển kinh tế
Ðàn dê của gia đình bà Nguyễn Thị Nhung ở xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh được phát triển từ nguồn Quỹ Hội Phụ nữ xã. (Ảnh:TL)

Hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế

Trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Bình Phước đã tích cực tuyên truyền, vận động khuyến khích hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ tôn giáo tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh.

Các cấp hội cũng đã triển khai đa dạng các hoạt động chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ, nhất là các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ phụ nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số như hỗ trợ phương tiện sinh kế, nguồn vốn.

Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, thông qua các nguồn vốn của hội, các cấp hội trong tỉnh đã giúp cho hơn 3.000 hội viên phụ nữ dân tộc, tôn giáo vay vốn với số tiền hơn 13,5 tỷ đồng. Ngoài các nguồn vốn tự giúp nhau, Hội LHPN tỉnh cũng hỗ trợ giải ngân vốn chương trình hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo cho hội viên dân tộc, tôn giáo.

Bên cạnh các nguồn vốn vay, các cấp Hội LHPN tỉnh Bình Phước cũng đã phối hợp, liên kết đào tạo nghề cho hơn 2.500 phụ nữ dân tộc, hơn 1.500 phụ nữ tôn giáo, giới thiệu việc làm cho gần 3.000 phụ nữ dân tộc thiểu số, hơn 1.200 phụ nữ là tín đồ tôn giáo. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc, tôn giáo khởi nghiệp cũng được các cấp Hội quan tâm. Qua đó, đã hỗ trợ cho 65 chị, em phụ nữ dân tộc khởi nghiệp với số vốn 1,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, các cấp hội còn vận động xây dựng 20 mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo là dân tộc thiểu số, tôn giáo trị giá 1,6 tỷ đồng. Vận động tiền, quà, máy tính, điện thoại hỗ trợ học bổng cho con em dân tộc thiểu số.

Song song với việc giúp đỡ các nguồn vốn, tặng quà hỗ trợ phụ nữ dân tộc, tôn giáo phát triển kinh tế thì các mô hình, câu lạc bộ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế cũng được duy trì và phát triển như mô hình "Dệt thổ cẩm", "Phụ nữ Khmer giúp nhau phát triển kinh tế"; mô hình "Một người giúp nhiều người"; mô hình " Kết nghĩa giữa chi hội người Kinh và chi hội người đồng bào dân tộc"; mô hình "Chăn nuôi trâu bò sinh sản"… Thông qua các mô hình này đã giúp các chị em đã kịp thời giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế gia đình, cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội

Bình Phước: Nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc, tôn giáo phát triển kinh tế
Bình Phước là tỉnh có đông thành phần dân tộc khác nhau, với 41 dân tộc sinh sống trên địa bàn. (Ảnh: TL)

Là tỉnh có đông thành phần dân tộc khác nhau, với 41 dân tộc sinh sống trên địa bàn, bên cạnh việc hỗ trợ cho hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc có cuộc sống ngày càng tốt hơn, trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Bình Phước cũng đã có những cách làm để củng cố khối đại đoàn kết như tăng cường công tác nắm bắt, phản ánh tình hình tư tưởng, đời sống nhu cầu nguyện vọng của hội viên phụ nữ.

Số liệu thống kê, hiện nay, tổng số hội viên dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bình Phước là hơn 44.460 người, trong đó hội viên dân tộc là hơn 20.680 và hội viên tôn giáo là hơn 15.900.

Các cấp hội trong tỉnh thực hiện tốt chức năng đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, phụ nữ tập trung hướng về cơ sở, qua đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi khó khăn, và từ đó có hướng giải quyết kịp thời, phù hợp và thực hiện theo phương châm "Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội". Ngoài ra, còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ trong vùng đồng bào dân tộc, tạo sân chơi cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số.

Hội LHPN tỉnh Bình Phước cho biết, trong thời gian tới, nhằm giúp cho đời sống tinh thần, kinh tế của hội viên, dân tộc ngày một tốt hơn, các cấp hội trong tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ hội viên, phụ nữ dân tộc, tôn giáo trong toàn tỉnh. Vận động và phát huy vai trò tích cực của đội ngũ hội viên nòng cốt là người có đạo, người có uy tín trong cộng đồng.

Cải tiến nội dung, hình thức sinh hoạt, tổ chức nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" phù hợp với đặc điểm, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo nhằm thu hút hội viên, phụ nữ tham gia vào tổ chức hội.

Tổ chức triển khai thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, tăng cường huy động nguồn lực triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo nâng cao kiến thức về mọi mặt của đời sống xã hội; phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững như hỗ trợ phương tiện sinh kế, hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm, xây dựng mái ấm tình thương. Ngoài ra, vận động hướng dẫn cán bộ, hội viên người dân tộc thiểu số, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động hội tích cực tham gia chuyển đổi số.

Nhằm thực hiện tốt công tác tập hợp hội viên, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, nhất là địa bàn có đông phụ nữ dân tộc, tôn giáo; các cấp Hội LHPN tỉnh Bình Phước tiếp tục đa dạng hóa các mô hình hoạt động và hình thức tập hợp tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ, phát triển hội viên mới, nâng cao chất lượng của chi hội, câu lạc bộ...