Các tổ chức tôn giáo: Nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước

Chức sắc, nhà tu hành Phật giáo tham gia lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tháng 7/2021. (Ảnh: TL)

Đóng góp nguồn lực quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước

Hơn 26 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 27% dân số Việt Nam là nguồn nhân lực quan trọng có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với số lượng tín đồ chiếm số lượng khá lớn trên quy mô dân số, đồng bào các tôn giáo là lực lượng sản xuất đông đảo, tham gia vào tất cả các thành phần kinh tế, đã và đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất, không chỉ phục vụ đời sống gia đình mà còn cùng với các thành phần xã hội khác đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các tín đồ tôn giáo đã đoàn kết, giúp đỡ nhau về vốn và kinh nghiệm sản xuất, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất. Thông qua các sinh hoạt tôn giáo, chức sắc, chức việc đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào có đạo biết cách làm giàu, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Kinh tế phát triển, đồng bào có đạo có điều kiện đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và nhiều công trình công cộng khác. Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo cũng đóng góp nguồn lực quan trọng, đồng hành cùng các cấp chính quyền trong công tác an sinh xã hội, giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo.

Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay cả nước có khoảng 300 trường mầm non, 2.000 cơ sở giáo dục mầm non, 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo, gồm: 1 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp và 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong lĩnh vực y tế, hiện có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập dưới nhiều hình thức. Kinh phí tổ chức do tổ chức, cá nhân tôn giáo đóng góp để thực hiện các hoạt động này lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là một thành tố của văn hóa, mà còn thực sự là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, cả nước có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao đài được cấp phép hoạt động, đang chăm sóc, nuôi dưỡng gần 12 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội. Các tổ chức tôn giáo đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội và các hoạt động từ thiện nhân đạo...

Những hoạt động của các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội; chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, với nhà nước và xã hội, lan tỏa tinh thần “tương thân, tương ái” sâu sắc trong cộng đồng.

Đặc biệt, trong 2 năm 2020 - 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và tại Việt Nam, các tổ chức tôn giáo đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao với đất nước, với nhân dân bằng những nghĩa cử cao đẹp, với nhiều đóng góp to lớn về con người, vật chất và tinh thần, góp phần cùng chính quyền và nhân dân cả nước sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh và ổn định lao động, sản xuất. Chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho Quỹ Vắc-xin, hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ phòng, chống Covid-19 ở trung ương và địa phương; cử trên 3.000 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch; tặng 24 xe cứu thương, nhiều trang thiết bị, vật tư y tế cho các vùng dịch và triển khai hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội.

Các tổ chức tôn giáo: Nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước

Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Hậu Giang bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. (Ảnh: TL)

Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước

Với chính sách tôn giáo ngày càng cởi mở, hoạt động quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra rất đa dạng, phong phú. Nhiều đoàn tôn giáo ra nước ngoài dự hội nghị, hội thảo, mở rộng quan hệ quốc tế với các tổ chức tôn giáo quốc tế, tham gia diễn đàn khu vực và quốc tế như: Đối thoại liên tín ngưỡng Á - Âu (ASEM), đối thoại liên tín ngưỡng khu vực châu Á Thái Bình Dương…

Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn đã được tổ chức trọng thể, thành công ở nước ta và dư luận thế giới đánh giá cao như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp quốc; Giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa minh thế giới; Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức hội nghị Giám mục Á châu. Ngoài ra, các sự kiện tôn giáo lớn thu hút sự quan tâm, tham dự của chức sắc, tín đồ tôn giáo ở trong và ngoài nước như: Hội yến Diêu trì cung của Cao Đài tổ chức hàng năm; Đại hội La Vang của Công giáo… Những hoạt động trên đã góp phần giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam; về các tôn giáo, lịch sử, văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đời sống tôn giáo Việt Nam, chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc

Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo ngày càng làm tốt công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, các tổ chức tôn giáo là một kênh truyền thông quan trọng, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống và đến với đồng bào có đạo nhanh và hiệu quả.