Các tổ chức tôn giáo ở Thủ đô lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội xanh, sạch, đẹp
Các đại biểu tôn giáo thả cá phóng sinh hương ứng "Tháng hành động vì môi trường" Ảnh: TL

Nhiều việc làm ý nghĩa

Hà Nội những ngày đầu hè, nhiệt độ có ngày đã xấp xỉ 40 độ C. Nhưng đến chùa Phúc Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm như lạc vào một không gian xanh mát. Không những thế, nếu để ý sẽ thấy phật tử đến chùa đều tự giác phân loại những vật phẩm không cần thiết vào 2 thùng rác được tái chế từ thùng sơn cũ có ghi rõ vị trí đựng rác hữu cơ và vô cơ.

Trụ trì chùa Phúc Sơn Thích Tịnh Giác vốn nổi tiếng là “nhà sư nhặt rác”. Ông thường vớt túi nilon mang về chùa cho các phật tử giặt sạch, phơi khô để tái sử dụng. Theo sư thầy, nếu thả cá mà vứt cả túi nilon xuống hồ sẽ khiến nguồn nước bị ô nhiễm, cá sẽ không sống được. Hoạt động của chùa Phúc Sơn là một trong nhiều mô hình Phật giáo tham gia BVMT trên địa bàn TP. Hà Nội.

Tại chùa Đào Xuyên (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) việc cải tạo môi trường sinh thái, vệ sinh chùa xanh - sạch - đẹp, vệ sinh đường làng ngõ xóm khu vực xung quanh chùa, trồng và chăm sóc cây xanh đã trở thành hoạt động thường xuyên của nhà chùa và các phật tử. Mô hình này đã trở thành điểm sáng của huyện.

Một trong những ngôi chùa có mô hình hay trong phong trào BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu của TP. Hà Nội là chùa Xuân Trạch (Linh Ứng Tự), xã Xuân Canh, huyện Đông Anh. Nhiều năm nay, chùa đã kêu gọi các phật tử quyên tặng cây con và phối hợp với chính quyền địa phương phát động phong trào trồng cây. Đến nay, hàng cây đã xanh tốt, chạy dài trên con đường dẫn vào làng Xuân Trạch.

Theo Đại đức Thích Thanh Hải - Trụ trì chùa Xuân Trạch, không chỉ trồng cây, nhà chùa thường xuyên cùng các phật tử chăm sóc để cây phát triển tốt. Trong các dịp giảng kinh, lễ Phật, nhà chùa cũng lồng ghép tuyên truyền, vận động phật tử và người dân tuân thủ quy định của pháp luật về BVMT, không xả rác thải bừa bãi, hạn chế sử dụng túi ni lông, không đốt vàng mã tại các nơi thờ tự, gia đình… Ngoài ra, chùa đang cải tạo cảnh quan khuôn viên theo hướng gần gũi với thiên nhiên, trồng thêm cây xanh và làm vườn thuốc nam.

Nhà sư trụ trì chùa Diệu Nam (Đại La, Hai Bà Trưng) Phạm Thị Là cho biết: “Hưởng ứng chương trình do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố cùng Sở Tài nguyên và Môi trường phát động về việc phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhà chùa chúng tôi đã vận động nhân dân, phật tử hạn chế đốt vàng mã, tích cực trồng cây xanh, không nên dùng túi ni lông. Gương mẫu làm trước nên việc tuyên truyền của chúng tôi được nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình”.

Cần sự đồng hành sâu sát

Các tổ chức tôn giáo ở Thủ đô lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội xanh, sạch, đẹp
Giáo dân xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội tham gia dọn vệ sinh bảo vệ môi trường. Ảnh: TL

TP. Hà Nội có 8 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân với hơn 900.000 tín đồ, thực hiện hành đạo trong gần 6.000 cơ sở thờ tự. Từ năm 2016, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tuyên truyền về các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác BVMT, vận động, phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các tổ chức tôn giáo đã có nhiều hoạt động hưởng ứng với phương châm “mỗi chức sắc, nhà tu hành tôn giáo là một sứ giả về BVMT, đồng bào có đạo, nhân dân là những người hưởng ứng tích cực”. Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo còn hướng dẫn, triển khai thực hiện các mô hình cụ thể; vận động, kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp nguồn lực vật chất và tinh thần của các tổ chức, tín đồ trong thực hiện BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu tại cộng đồng dân cư.

Các tín đồ, tín hữu, phật tử tham gia bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Qua hơn 3 năm thực hiện, 80% các chức sắc, nhà tu hành đã nắm được và triển khai nghiêm túc chương trình phối hợp trong các tổ chức tôn giáo. Các tín đồ, tín hữu, phật tử tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu rất đông đảo, tích cực, đạt hiệu quả cao.

Chi cục trưởng Chi cục BVMT, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái khẳng định: Đến nay, 100% các tổ chức tôn giáo đã tham gia ký kết chung tay BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phòng tài nguyên và môi trường các quận, huyện, thị xã cùng cam kết đồng hành xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể để vận động các tín đồ tôn giáo và người dân trên địa bàn Thủ đô tham gia BVMT. Từ 38 mô hình điểm về tham gia BVMT năm 2016, đến nay, toàn thành phố có 230 mô hình điểm cấp thành phố, cấp huyện về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các mô hình đã góp phần làm lan tỏa trong cộng đồng ý thức và hành động thiết thực, cụ thể nhằm xây dựng các khu dân cư, cơ sở thờ tự sáng - xanh - sạch - đẹp - thân thiện môi trường. Song hành cùng các tổ chức tôn giáo, 584 xã, phường, thị trấn; 5.100 ban công tác mặt trận ở khu dân cư cũng thực hiện ký cam kết BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện khu dân cư thân thiện với môi trường.

Việc các tổ chức tôn giáo, đồng bào có đạo cùng nhân dân tham gia BVMT không chỉ góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Thời gian tới, rất cần sự quan tâm, động viên khen thưởng kịp thời hơn của các cấp, các ngành và địa phương để khuyến khích phong trào phát triển hơn nữa.

Tại Hội thánh Môn đồ Hà Nội thuộc Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam, mục sư và các tín đồ đã triển khai thành công mô hình cộng đồng không khói thuốc, không chất cồn, tích cực tham gia vệ sinh môi trường. Mục sư Đỗ Mạnh Cường - Quản nhiệm Hội thánh Môn đồ Hà Nội, chia sẻ: "Mỗi tháng, vào tuần thứ 2 và thứ 4, hội thường tổ chức cho thành viên, các tín đồ quét dọn đường làng ngõ xóm, nhặt rác nơi công cộng. Hội còn vận động cộng đồng dân cư xung quanh hưởng ứng phong trào BVMT. Hiện nay, 98% tín đồ hội thánh không còn hút thuốc lá".

Ý thức được tầm quan trọng trong việc BVMT và ứng phó với biển đổi khí hậu, Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô cũng rất tích cực vào cuộc hưởng ứng phong trào “Đồng bào Công giáo Thủ đô chung tay BVMT”, do Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội phát động. Bên cạnh đó, Hội Thánh cũng cam kết cùng Mặt trận và các tổ chức tiếp tục các hoạt động BVMT, góp phần chống biến đổi khí hậu.

Trưởng ban đại diện Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô Hoàng Tùng chia sẻ: “Trong các lễ tiệc thánh, chúng tôi thay thế toàn bộ cốc nhựa bằng cốc giấy để BVMT. Các điểm nhóm đều tổ chức quét dọn vệ sinh, bố trí thùng rác, phân loại rác tại điểm nhóm và quanh khu vực...”.

Tương tự, Thánh thất Cao đài Hà Nội cũng vận động bà con tích cực giữ gìn sạch sẽ nơi thờ tự và giữ gìn vệ sinh môi trường tại gia đình, khu dân cư của mình. Trưởng ban Cai quản Thánh thất Cao đài Hà Nội, Giáo sư - Lễ sanh Thượng Mai Thanh cho biết: “Nhiều năm qua, việc BVMT của Thánh thất Cao đài Hà Nội đã đi vào nền nếp. Không chỉ có vậy, chúng tôi còn tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện BVMT theo đúng cam kết với Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội...”.

3.491 mô hình, cách làm tốt trong bảo vệ môi trường

“Đến nay, toàn thành phố đã có 3.491 mô hình, cách làm tốt trong BVMT đã được các vị chức sắc tôn giáo khởi xướng và triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương. Trong đó, nổi bật như phong trào “Giáo xứ, cơ sở thờ tự xanh, sạch, đẹp”, “Cộng đồng, tổ đoàn kết, tổ tự quản tôn giáo tham gia BVMT”, “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các gia đình, cơ sở tôn giáo”, “Hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự”, tín đồ phật tử Thủ đô nói không với bếp than tổ ong...” - bà Dung chia sẻ.