Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, duy trì sự ổn định và phát triển bền vững
Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, duy trì sự ổn định và phát triển bền vững

Những kết quả nổi bật

Cùng với quá trình đổi mới đất nước (từ năm 1986), công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã đem lại nhiều kết quả; đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực: sự trở lại của niềm tin tôn giáo, sự gia tăng số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với quy mô lớn đã thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự; các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc…

Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích cực đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước; đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân; đảm bảo các hoạt động tôn giáo diễn ra trong khuôn khổ pháp luật; từng bước phát huy được những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Ban Tôn giáo Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp đã chủ động hướng dẫn, đưa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đi vào nề nếp, ổn định, tuân thủ pháp luật; hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tổ chức hội nghị, đại hội theo đúng Hiến chương, điều lệ các tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật; tập trung giải quyết các kiến nghị, nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo; khuyến khích tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn tại vùng sâu, vùng xa; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, vì cộng đồng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; đoàn kết, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự... góp phần làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới.

Công tác phối hợp đấu tranh chống lợi dụng hoạt động tôn giáo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Ban Tôn giáo Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương liên quan thống nhất các phương án đồng bộ, vận động quần chúng đấu tranh chống các hoạt động lợi dụng tôn giáo để gây rối làm mất ổn định chính trị, an ninh trật tự; nắm tình hình an ninh trong tôn giáo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, đấu tranh với các nhóm, cá nhân cực đoan trong tôn giáo lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước; các vấn đề về “tà đạo”, “đạo lạ”...

Hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tham gia các diễn đàn phù hợp

Cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo đã tích cực phối hợp thúc đẩy ngoại giao nhân dân; chủ động hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tham gia các diễn đàn tôn giáo thế giới và khu vực phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nâng cao vị thế của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Hoạt động quốc tế của các tôn giáo Việt Nam đa dạng, phong phú, số lượng đoàn trong nước và nước ngoài đi, đến để nghiên cứu, tìm hiểu về tình hình tôn giáo ngày càng tăng.

Quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã có tiến triển mới, các cuộc đàm phán giữa hai bên đã thu nhiều kết quả tích cực, thống nhất chủ trương nâng cấp từ đặc phái viên không thường trú lên đặc phái viên thường trú tại Việt Nam. Công tác đối thoại với các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các cơ quan truyền thông nước ngoài được tăng cường nhằm cung cấp thông tin về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Việt Nam, tranh thủ các đối tác là bạn bè ủng hộ Việt Nam, đấu tranh chống lại những luận điệu bài xích, xuyên tạc của các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí về các vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam, góp phần đấu tranh thành công để Việt Nam không bị đưa vào “danh sách các nước cần theo dõi đặc biệt” (SWL) hoặc “danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt” (CPC) về tự do tôn giáo.

Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được công nhận; chủ động giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng của các tín đồ; kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tôn giáo, quần chúng tôn giáo và có phương hướng giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo.

Xem xét cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo cho các tổ chức đủ điều kiện. Hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tổ chức tốt các hội nghị thường niên, đại hội nhiệm kỳ; bầu, chọn nhân sự lãnh đạo giáo hội có đạo hạnh, có trình độ. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam. Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, trong đó có quần chúng tôn giáo. Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và huy động các nguồn lực của tôn giáo cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo, với khoảng 95% dân số có tín ngưỡng, tôn giáo. Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã có nhiều đổi khác và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được đảm bảo tốt hơn.