2 hình thức du lịch tâm linh

Du lịch tâm linh không chỉ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ về một vùng đất mới, mà còn chứa đựng những giá trị, trải nghiệm tinh thần hết sức thiêng liêng.

Bằng việc duy trì các tour du lịch tâm linh, mở ra khu trưng bày, triển lãm, kết hợp hệ thống nghỉ dưỡng... cũng là cách địa phương gia tăng việc làm, tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Theo Tổng cục Du lịch, khách du lịch tâm linh chiếm một tỷ trọng khá lớn. Thông thường khách đi du lịch hầu như kết hợp với mục đích tâm linh hoặc mục đích tâm linh được lồng ghép trong nhiều chuyến đi. Vì vậy, khó có thể phân biệt rõ số khách với mục đích du lịch tâm linh thuần túy (ngoại trừ số tăng ni, phật tử, tín đồ, khách hành hương).

Hiện tại du lịch tâm linh ở Việt Nam rất phát triển trên 2 hình thức. Thứ nhất, du lịch tâm linh gắn liền với đức tin và tôn giáo: Phật giáo, Thiên Chúa giáo, đạo Cao Đài… Thứ hai, du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ cúng, tri ân những vị anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước.

Ngoài ra, còn có các hình thức như du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên, dòng họ, thể hiện sự tri ân báo hiếu với thế hệ đi trước…

Doanh thu từ các địa điểm du lịch tâm linh tại còn rất khiêm tốn
Hầu hết các địa phương trên cả nước đều có tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh

Tổng cục Du lịch nhận định, chi tiêu của phần lớn khách du lịch tại các điểm tâm linh thường là thấp, chủ yếu chi cho các hoạt động phục vụ tế lễ, cầu nguyện, chiêm bái… mà ít phát sinh chi phí. Một số điểm tâm linh thu phí tham quan, còn lại hầu hết các điểm tâm linh gắn với tín ngưỡng không thu phí nhưng đều có các hòm công đức để khách tự nguyện đóng góp. Số tiền đóng góp tự nguyện đó khá lớn và là nguồn thu chính cho việc trùng tu, quản lý vận hành các điểm du lịch tâm linh.

Các chi tiêu cơ bản cho các hoạt động di chuyển (cáp treo, thuyền, đò, xe điện…) chiếm một tỷ trọng đáng kể. Chi cho ăn uống và giải khát, chi cho lưu trú qua đêm, lưu niệm, sản vật địa phương… chiếm một tỷ trọng đáng kể nhưng không lớn do khách hầu hết viếng thăm trong thời gian ngắn, ít nghỉ lại qua đêm.

Theo báo cáo của các sở văn hóa, thể thao và du lịch, doanh thu từ các địa điểm du lịch tâm linh còn rất khiêm tốn.

Phát huy hơn nữa thế mạnh du lịch tâm linh tại các địa phương

Tuy nhiên, hiệu ứng lan tỏa của chi tiêu tại điểm du lịch tâm linh đến cộng đồng dân cư là rất lớn, có tác động rõ rệt thông qua tạo việc làm, bán hàng lưu niệm, sản vật địa phương. Vì thế các địa phương đặc biệt quan tâm và đầu tư cho loại hình du lịch này.

Năm 2020, Tây Ninh nổi lên như một điểm sáng của ngành du lịch Đông Nam Bộ, với lượng khách khoảng 4,7 triệu lượt, đạt 87% so cùng kỳ 2019, trong đó, riêng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (bao gồm khu tâm linh - lễ hội) thu hút hơn 2,1 triệu lượt khách (chiếm gần 50% lượng khách cả tỉnh).

Vì thế, Tây Ninh đã phối hợp Bộ Xây dựng và các bộ, ngành trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 125 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đến năm 2035 làm cơ sở pháp lý quan trọng để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó có du lịch tâm linh. Đặc biệt, hệ thống cáp treo với nhà ga lớn nhất Đông Nam Á giúp người dân có thể nhìn thấy toàn cảnh TP. Tây Ninh, hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng và rút ngắn thời gian đưa du khách lên viếng chùa Bà hoặc vãn cảnh trên khu vực đỉnh núi.

Doanh thu từ các địa điểm du lịch tâm linh tại còn rất khiêm tốn
Cần phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng để giữ chân du khách

Hiện Tuyên Quang cũng đã xây dựng Đề án phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Từ đó, tỉnh đưa ra định hướng và giải pháp phát triển du lịch tâm linh trong thời gian tới, như định hướng phát triển sản phẩm du lịch; sắp xếp, tổ chức lại các ban quản lý di tích; xúc tiến, quảng bá, “thổi hồn” vào di tích; cơ chế chính sách; đầu tư phát triển du lịch; liên kết phát triển du lịch tâm linh… Với mục tiêu du lịch lịch sử, văn hóa, lễ hội, sinh thái, cộng đồng; nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với tỉnh Quảng Ninh, sức hút của các điểm di tích lịch sử văn hóa trong mùa lễ hội đầu xuân rất lớn, nhưng thời gian còn lại trong năm hầu như không khai thác được. Để khắc phục yếu tố mùa vụ này, vài năm trở lại đây, một số điểm di tích lịch sử văn hoá của Quảng Ninh như: Khu di tích danh thắng Yên Tử, chùa Cái Bầu, Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm, một số điểm di tích trên địa bàn thị xã Quảng Yên, Đông Triều đang dần tìm biện pháp đầu tư nâng cao hiệu quả du lịch tâm linh trong tất cả các tháng của năm.

Để phát huy hơn nữa thế mạnh du lịch tâm linh tại các địa phương, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, các chuyên gia cho rằng, cần phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng để giữ chân du khách được lâu hơn và tạo điều kiện cho du khách chi tiêu nhiều hơn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các điểm, khu du lịch tâm linh nhằm phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong loại hình du lịch này.

Đồng thời, các địa phương tập trung rà soát, kêu gọi đầu tư phát triển các khu, điểm có khả năng phát triển du lịch tâm linh; làm tốt công tác xúc tiến du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch tâm linh, gắn du lịch tâm linh với những hoạt động văn hóa, giải trí về đêm… để thu hút và giữ chân du khách./.