Đồng bào công giáo chung tay góp phần vào sự phát triển của đất nước
Đồng bào công giáo giúp đỡ nhau sản xuất phát triển kinh tế, cùng nhau đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TL

Xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến

Phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế của đồng bào công giáo ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trận tự an toàn xã hội.

Bộ mặt các giáo xứ, họ đạo ngày càng khang trang, sạch đẹp. Trong phong trào đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào công giáo đã có nhiều việc làm thiết thực như: Hiến đất, tự nguyện bàn giao mặt bằng làm đường giao thông nông thôn; ủng hộ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, xây dựng các công trình phúc lợi; lắp đèn thắp sáng đường làng, ngõ hẻm… với số tiền nhiều tỷ đồng. Qua đó góp phần làm cho diện mạo nông thôn, đô thị, xứ đạo ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Với tinh thần chung tay, góp sức cho sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước, trong số 12 cơ sở dạy nghề (trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề tư thục, trung tâm dạy nghề tư thục tôn giáo) thuộc các tôn giáo hiện nay, giới công giáo có 11 cơ sở dạy nghề, chủ yếu thuộc dòng Don Bosco, Dòng Lasan và Tòa Giám mục Xuân Lộc đang hoạt động hiệu quả.

Đối tượng theo học chủ yếu là con em các gia đình công giáo nghèo, một số ít là người dân tộc thiểu số của các địa phương. Học viên theo học với nhiều trình độ, lứa tuổi khác nhau. Do vậy, trong bối cảnh các trường nghề khó tuyển sinh như hiện nay thì các trường, trung tâm dạy nghề của công giáo vẫn tuyển được nhiều học viên, thậm chí số lượng đăng ký học nghề vượt khả năng đào tạo của các cơ sở dạy nghề. Sau khi tốt nghiệp ra trường, đa số các học viên đều có việc làm ổn định, mức thu nhập khá, người lao động học từ các cơ sở dạy nghề của tôn giáo được chủ sử dụng lao động đánh giá cao về kỹ năng lao động, trách nhiệm và kỷ luật lao động tốt.

Tổng số kinh phí tham gia ủng hộ các quỹ của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, thành phố 5 năm (2017-2022): Quỹ “Vì biển đảo Việt Nam”, “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây nhà đại đoàn kết”… là hơn 2.000 tỷ đồng.

Các hoạt động từ thiện, bác ái, đền ơn đáp nghĩa, "Uống nước nhớ nguồn" được lan tỏa rộng rãi trong giáo dân khắp các giáo xứ, họ đạo cả nước. Tùy hoàn cảnh và điều kiện của mỗi địa phương, các hoạt động của đồng bào công giáo hết sức phong phú và đa dạng như: Tặng "Sổ tiết kiệm tình nghĩa" cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, nhận chăm sóc nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các mẹ liệt sĩ; thăm hỏi, động viên các đối tượng chính sách; ủng hộ xây dựng Quỹ vì người nghèo, Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ biển đảo quê hương, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt… do Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp phát động.

Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Đồng bào công giáo chung tay góp phần vào sự phát triển của đất nước
Đồng bào công giáo tỉnh Đồng Nai có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế- xã hội. Ảnh: TL

Trong lĩnh vực tham gia xây dựng chính quyền, đồng bào công giáo cả nước đã tích cực hưởng ứng và tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tham gia các hội nghị hiệp thương để lựa chọn và giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Bên cạnh đó, đồng bào công giáo luôn tích cực tham gia phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”, coi việc phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm cuộc sống bình yên. Cộng đoàn giáo dân cùng nhau có trách nhiệm chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng nhau xây dựng và thực hiện tốt các nội quy, quy ước, hương ước tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân với xã hội, làm tròn bổn phận của cộng đoàn giáo dân với Giáo hội.

Nhiều khu dân cư công giáo luôn bảo đảm an toàn về trật tự công cộng, phòng chống nạn xã hội… đồng bào công giáo trên toàn quốc luôn nêu cao ý thức, tinh thần cảnh giác trước các âm mưu lợi dụng những vấn đề về dân tộc, tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tạo điều kiện để đồng bào công giáo tham gia hoạt động xã hội

Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán, tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xác định là nhu cầu chính đáng của một bộ phận nhân dân, khẳng định vai trò quan trọng của việc phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước. Quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào các tôn giáo nói chung, đồng bào công giáo nói riêng thực hiện sinh hoạt tôn giáo bình thường và tích cực tham gia hoạt động xã hội, ích nước lợi dân, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.