Tại chùa Trung Hậu, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (Hà Nội), để giữ gìn vệ sinh trong chùa, 30 thùng rác đã được lắp đặt để cho nhân dân, tín đồ, phật tử bỏ vào, tạo môi trường sạch sẽ. Trong các buổi thuyết giảng kinh nhà Phật, sư thầy trụ trì cũng đã lồng ghép các chủ đề an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường… cho các tăng ni, phật tử và nhân dân tạo chuyển biến về nhận thức, thay đổi hành vi, sống có trách nhiệm với xã hội, góp phần thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Hà Nội: Cơ sở tôn giáo vận động người dân giám sát an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường

Công tác tuyên truyền của các đơn vị tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm là rất lớn. Ảnh: Văn Nam.

Sau tuyên truyền và vận động, người dân trong khu vực đã có ý thức trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nơi mình ở, tình trạng xả vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi đã giảm tới 90%.

Còn tại Giáo xứ Cẩm Cơ ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội), toàn bộ 198 hộ gia đình đã đăng ký mô hình "sống xanh, sạch, đẹp" tại khu dân cư. Điển hình là việc đăng ký trồng rau sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các khu chăn nuôi tập trung để ở địa điểm xa khu dân cư sinh sống.

Ban hành giáo huyện Thường Tín đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ trong giáo xứ, họ đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường như vận động bà con không vứt rác bừa bãi, xuống kênh, mương; tổ chức những đợt ra quân vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, tuyên truyền thực hiện nói không thực phẩm bẩn, đấu tranh chống lại các biểu hiện lệch lạc trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thời gian qua, Ban Trị sự Phật giáo các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình điểm để nhân rộng, chia sẻ kinh nghiệm tại các tôn giáo trên địa bàn dân cư. Tiếp tục tuyên truyền, tập huấn và nâng cao nhận thức cho chức sắc tôn giáo, tín đồ tôn giáo và các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện công tác vệ sinh môi trường, nâng cao an toàn thực phẩm.