Hà Nội lý giải nguyên nhân thiếu thiết chế văn hóa cơ sở
Hà Nội lý giải nguyên nhân thiếu thiết chế văn hóa cơ sở. Ảnh: Khánh Linh

Sáng 25/4, Thường trực HĐND TP.Hà Nội tổ chức Phiên họp giải trình để đánh giá kết quả thực hiện, xác định rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành trong đầu tư, khai thác, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố.

Có 5 quận, 4 huyện rơi vào tình trạng “trắng” thiết chế văn hóa

Liên quan đến các thiết chế văn hóa còn thiếu, nhất là thiết chế văn hóa cơ sở, tại cuộc họp, các đại biểu cho hay, hiện một số mục tiêu xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa đạt yêu cầu. Ví dụ như có 5 đơn vị cấp quận huyện chưa có trung tâm văn hóa; có 5 quận, 4 huyện rơi vào tình trạng “trắng” thiết chế văn hóa; 167 thôn, tổ dân phố không đảm bảo điều kiện sinh hoạt… Không chỉ ở các vùng huyện khó khăn mà thậm chí ở nội thành cũng có nơi thiết chế văn hóa xuống cấp.

Về việc này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, công tác đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở được thành phố quan tâm. Tuy nhiên, đến nay thành phố còn thiếu 45/259 nhà văn hóa theo rà soát; trong đó còn 23 nhà văn hóa còn chưa có địa điểm triển khai, 17 nhà văn hóa chưa có thủ tục bố trí vốn. Các thiết chế văn hóa được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu, việc quản lý còn bất cập.

Nguyên nhân là do công tác lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy đảng chính quyền về hoàn thiện, sử dụng và khai thác các thiết chế văn hóa tại một số nơi chưa quyết liệt, chưa đúng mức. Việc phối hợp các sở ngành còn chưa tích cực. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để thực hiện việc này vẫn còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; nguồn ngân sách cấp huyện để đầu tư thiết chế văn hóa chưa được đầu tư đồng đều, đồng bộ; huy động nguồn lực ngoài ngân sách còn hạn chế…

Về giải pháp, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thời gian tới, UBND TP.Hà Nội tiếp tục tăng cường tập trung quy hoạch tổng thể thiết chế văn hóa cơ sở. Đồng thời, tập trung nguồn lực từ ngân sách thành phố, huy động nguồn lực xã hội trong công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố; tập trung ban hành cơ chế chính sách cho thiết chế văn hóa phù hợp với thực tế, chú trọng khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp đầu tư vào các thiết chế văn hóa, ban hành quy chế khai thác và tổ chức hoạt động của trung tâm văn hóa cấp xã, nhà văn hóa thể thao thôn trên địa bàn...

Thu hồi công năng các phòng kinh doanh dịch vụ sang phòng sinh hoạt cộng đồng

Tại cuộc họp, các đại biểu nêu tình trạng vẫn còn tồn tại chung cư tái định cư chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng và yêu cầu thành phố cho biết tiến độ và kết quả rà soát việc này, đến bao giờ các nhà chung cư tái định cư mới có nhà sinh hoạt cộng đồng?

Với nội dung này, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, hiện nay TP.Hà Nội có 187 tòa chung cư tái định cư, trong đó có 175 tòa tái định cư và 12 tòa có diện tích tái định cư nằm trong chung cư thương mại. Qua rà soát, hiện nay trong 175 tòa, có 81 tòa có thiết kế diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng, có 94 tòa không có. Trong đó, 70/81 tòa đã bàn giao cho ban quản trị sử dụng sinh hoạt cộng đồng, 11 tòa chưa có ban quản trị nên chưa thực hiện được.

Với các tòa không có nhà sinh hoạt cộng đồng, Sở Xây dựng đã rà soát và chỉ đạo bố trí thu hồi công năng các phòng kinh doanh dịch vụ sang phòng sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, có 73 tòa hoàn thành việc chuyển đổi, 8 tòa đang rà soát để bố trí, dự kiến hoàn thành trong quý 4/2022.

Giám đốc Sở Xây dựng cũng chỉ ra nguyên nhân vướng mắc của tình trạng trên là do một số nhà được xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2015, không có diện tích kinh doanh dịch vụ để chuyển đổi mục đích. Một số nơi kinh doanh dịch vụ đang còn hợp đồng thuê, đang đàm phán để kết thúc hợp đồng thì mới chuyển đổi được; một số diện tích sinh hoạt cộng đồng được sử dụng không đúng mục đích; một số nhà chung cư tái định cư có bố trí khu vực sinh hoạt nhưng chưa vận hành vì chưa có ban quản trị hoặc chưa có 50% số dân về ở…

Vì vậy, thời gian tới, đối với nơi chưa có ban quản trị, các quận huyện chỉ đạo khẩn trương tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị; xử lý vi phạm những nơi chưa sử dụng đúng công năng. Đối với các nhà chung cư có diện tích kinh doanh dịch vụ, Sở Xây dựng sẽ cùng đơn vị đề xuất thành phố cho phép chuyển đổi, dự kiến hoàn thành trong quý 4/2022. Đối với 19 tòa chuyển đổi công năng khẩn trương, sửa chữa hoàn thiện để bàn giao khai thác, chậm nhất trong quý 1/2023. Đối với nhà không có diện tích, quận huyện bố trí nhà văn hóa của phường nơi gần nhất.

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh, trong những năm gần đây, TP.Hà Nội đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có những chủ trương, chính sách để xây dựng đời sống văn hóa, trong đó có xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Trên cơ sở các cơ chế thực hiện xã hội hoá của thành phố, hàng năm, các cấp, các ngành đã chủ động kêu gọi các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hoá, thể thao tham gia đầu tư các thiết chế văn hoá, thể thao. Qua đó nhằm đa dạng hoá các loại hình hoạt động, phục vụ nhu cầu của người dân, tiêu biểu như: Thành phố đang triển khai 45 dự án công viên và khu vui chơi 25.600 tỷ đồng; 44 dự án thể thao 9.824 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến triển khai thực hiện các dự án xã hội hóa: Nhà hát Opera và khu văn hóa đa năng Quảng An (tổng mức đầu tư 11.996 tỷ đồng), Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng). Các rạp chiếu phim hiện đại trong các trung tâm thương mại.