Xem xét, điều chỉnh phù hợp

Tại hội nghị, đại biểu tham dự đã thảo luận về sự cần thiết phải ban hành Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và các nội dung cụ thể trong nghị định; tính thực tiễn và khả năng thực hiện, tính thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật trong việc ban hành nghị định này; vấn đề trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước…

Dự thảo nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo gồm 4 Chương, 51 Điều. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQ) Việt Nam, tín ngưỡng, tôn giáo là lĩnh vực có nhiều đặc thù so với các lĩnh vực khác, nên vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cũng có những điểm khác biệt, đòi hỏi xử lý vi phạm cũng phải có những thủ tục xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định khác với các lĩnh vực khác.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Bá Trình - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất, dự thảo nghị định cần có điều khoản thể chế hóa quan điểm "Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng" của cơ quan quản lý nhà nước và cá nhân được giao nhiệm vụ thực thi công vụ ở các cấp trong quá trình xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, cần có điều khoản cụ thể quy định cơ quan quản lý nhà nước và người thực thi công vụ trên lĩnh vực công tác tín ngưỡng, tôn giáo phải bảo đảm tính bình đẳng, khách quan, công bằng khi xử lý hành vi vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng và người tham gia các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng.

Hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo
Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đánh giá, thời gian qua, việc triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần làm cho tình hình sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản ổn định, các chức sắc, tín đồ chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Hiến chương của các Giáo hội, tích cực thực hiện công tác từ thiện nhân đạo, tham gia tốt các phong trào thi đua yêu nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cần được xem xét, điều chỉnh và có biện pháp ứng xử phù hợp, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Ông Ngô Sách Thực đề nghị các ban chuyên môn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến tham luận của đại biểu tham dự hội nghị để gửi tới cơ quan chủ trì soạn thảo; đồng thời đề nghị lãnh đạo Bộ Nội vụ chỉ đạo Ban soạn thảo tiếp thu và phản hồi với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định.

Xử phạt tổ chức vi phạm tối đa 60 triệu đồng

Trước đó, Bộ Nội vụ lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Để xử lý kịp thời những hạn chế, vướng mắc qua thực tiễn sơ kết 03 năm triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, đồng thời để phù hợp với các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc xây dựng, ban hành nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo ở thời điểm hiện nay là rất cần thiết.

Dự thảo nêu rõ, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đối với cá nhân là 30 triệu đồng và đối với tổ chức là 60 triệu đồng. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo
Ảnh TL minh họa

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khoẻ, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi: Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; chức sắc, chức việc vi phạm; tước quyền sử dụng văn bản chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo từ 06 tháng đến 12 tháng… Biện pháp khắc phục hậu quả gồm: Buộc xin lỗi công khai; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được…

Theo dự thảo nghị định, đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trên lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.