Hưng Yên: Giáo dân thi đua phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương
Anh Trịnh Văn Tiệp ở xã Ngọc Thanh (Kim Động) làm giàu từ mô hình trồng nhãn và hoa công nghệ cao. Ảnh: TL

Với 80 giáo xứ, họ đạo cùng trên 20.000 giáo dân sinh sống trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, nhờ chủ động nâng cao kiến thức, tìm hiểu các mô hình mới và mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều hộ gia đình giáo dân ở đây không những nâng cao thu nhập, làm giàu mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương.

Để người dân yên tâm phát triển kinh tế, các Linh mục, Hội đồng mục vụ nơi đây thường xuyên phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể, lực lượng Công an làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, tham gia hòa giải, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn nội bộ nhân dân.

Tiêu biểu như gia đình giáo dân: Nguyễn Văn Hiểu kinh doanh vật liệu xây dựng (xã Hùng Cường, TP. Hưng Yên); Vũ Văn Tăng mở xưởng may công nghiệp, tạo việc làm cho trên 30 lao động, với thu nhập 6 - 8 triệu đồng/người/tháng; Vũ Văn Toản (thôn Hoàng Trạch, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang) trồng hoa cây cảnh mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng…

Thôn Thái Nội, xã Việt Cường (Yên Mỹ) hiện có khoảng 370 hộ với 1.400 nhân khẩu. Là giáo xứ thuần nông, nhưng các giáo dân trong thôn rất năng động, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện nay, 100% diện tích gieo cấy lúa của thôn đã chuyển sang trồng cây ăn quả và rau màu các loại, mang lại giá trị thu nhập cao.

Cùng với đó, gần 300 giáo dân có nghề sản xuất, kinh doanh bánh ga tô, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 400 - 500 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hoàng Minh Tạ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Thái Nội xã Việt Cường (Yên Mỹ) cho biết, thu nhập bình quân đầu người ở giáo xứ Thái Nội đạt trên 70 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ khá và giàu đạt trên 50%.

Thôn Ngọc Đồng, xã Ngọc Thanh (Kim Động), gia đình anh Trịnh Văn Tiệp đã thành công xây dựng mô hình trồng nhãn và hoa công nghệ cao, mỗi năm mang lại doanh thu 2 - 3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 30 - 50 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5,5 đến 12 triệu đồng/người/tháng.

Có điều kiện về kinh tế, đồng bào Công giáo trong tỉnh tích cực tham gia các phong trào thi đua, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, công tác khuyến học… góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn.

Giáo dân thi đua phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương
Giáo dân ở thôn Thái Nội, xã Việt Cường (Yên Mỹ) sản xuất phụ kiện trang trí bánh ga tô.

Trên các địa phương tại tỉnh Hưng Yên, các hoạt động tự phòng, tự quản, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội được bà con giáo dân nhiệt tình tham gia, phát huy được tinh thần cảnh giác, chủ động phòng chống những hoạt động ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hòa giải mâu thuẫn xảy ra ở cơ sở, không để phát sinh phức tạp.

Thường xuyên ký cam kết đảm bảo an ninh trật tự, phấn đấu xây dựng xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa, tích cực tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo khí thế thi đua sôi nổi ở địa bàn.

Trong nhiều năm qua, trên địa bàn của tỉnh không để xảy ra vụ việc liên quan đến ANTT, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…

Phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tại tỉnh đã và đang trở thành bộ phận không thể tách rời với các phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương. Đặc biệt, với vai trò, uy tín của mình, các linh mục, trùm trưởng, trưởng ban hành giáo... luôn gần gũi, gắn kết với ban chi uỷ, ban công tác Mặt trận thôn để đề xuất ý kiến, nguyện vọng của giáo dân và Nhân dân, nhất là việc hỗ trợ phát triển kinh tế, chăm lo đời sống Nhân dân, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.