Du xuân, đi lễ đầu năm: Nét đẹp văn hóa của người Việt |
Tăng cường kiểm tra giám sát
Nhằm tăng cường các biện pháp quản lý và tổ chức lễ hội, đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, đáp ứng nhu cầu tham gia lễ hội của người dân trong dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 79/VHCS-NSVH về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2022.
![]() |
Khu di tích chùa Hương (Hà Nội) đã mở cửa đón khách. |
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội.
Không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
Đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tổ chức các giải pháp về thực hiện nếp sống văn minh tại các hoạt động lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của người dân; thường xuyên cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế đốt đồ vàng mã... Tổ chức các phương án về trật tự an toàn giao thông, an toàn sông nước, phòng, chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân và du khách.
Xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2022, mục đích kiểm tra đánh giá việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; nắm tình hình thực tiễn tại cơ sở về hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội trong phạm vi toàn quốc, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương; kịp thời phát hiện những bất cập trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương, đề xuất giải pháp triển khai an toàn.
Địa phương tổ chức linh hoạt, đảm bảo phòng dịch
Trên thực tế, nhiều chương trình lễ hội văn hóa, nghệ thuật đa dạng, phong phú, quy mô lớn đã được các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, chuẩn bị để phục vụ nhân dân trong dịp đón Xuân mới, đặc biệt là các hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, do tính chất đặc thù của ngành văn hóa, thể thao, du lịch là các hoạt động đông người, nên các hoạt động văn nghệ đón xuân của một số địa phương không biểu diễn ngoài trời. Thay vào đó, các chương trình được chuyển sang ghi hình, phát sóng trên sóng đài phát thanh và truyền hình của tỉnh, thành phố hoặc phát trực tuyến trên tài khoản Facebook và kênh YouTube để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đặc biệt vẫn bảo đảm không khí tươi vui, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân.
![]() |
Các địa điểm khu di tích đều thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch |
Về phía các địa phương cũng đã có sự phân công các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình mừng Đảng, mừng Xuân đảm bảo yêu cầu, quy mô, nội dung, hình thức phù hợp tình hình dịch Covid-19 để phục vụ nhân dân vui xuân, đón tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân, trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nhiều tỉnh, thành phố đã chỉ đạo địa phương chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội. Trong đó, Thành phố Hà Nội đã dừng tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 như: Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, Lễ hội Chùa Hương, Lễ Hội Cổ Loa….
Tỉnh Bắc Ninh đóng cửa và tạm dừng đón khách tại đền Trình và đền Bà Chúa Kho từ ngày 5/2/2022 và mở cửa trở lại từ 9/2/2022… Tỉnh Nam Định không tổ chức lễ hội xuân. Vào đêm 14 tháng Giêng, Đền Trần không mở của đón khách. Nghi lễ Khai ấn vẫn được diễn ra dưới sự thực hiện của các cao niên họ nhà Trần, nhưng không có đại biểu tham dự.
Dù không tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần nhưng để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhà đền vẫn thực hiện phát ấn sau ngày 15 tháng Giêng, tuy nhiên không thực hiện rộng rãi như trước mà bố trí khu vực riêng đảm bảo an toàn phòng dịch. Ngoài ra, ấn đền Trần chủ yếu được gửi theo đường bưu điện cho các tổ chức cá nhân đã đăng ký trước…./.