Đa dạng các tour du lịch tâm linh

Ngay sau khi tỉnh Quảng Ninh cho phép đưa du khách đến tham quan, lễ Phật tại quần thể chùa Yên Tử, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã tổ chức tour đi - về trong ngày với giá khoảng 750.000 đồng/khách.

Công ty Du lịch Hà Nội hiện đang chào bán tour Hà Nội - Yên Tử - Hạ Long - Bắc Ninh - Đền Đô - Ninh Bình - Chùa Bái Đính - Tràng An - SaPa - Chinh phục đỉnh Fansipan trong 6 ngày 5 đêm. Tham gia tour, du khách có cơ hội tham quan các di tích văn hóa lịch sử Hà Nội như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, đền Ngọc Sơn. Đồng thời, khám phá cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), đỉnh núi cao nhất Việt Nam Fansipan (Lào Cai)…

Không chịu thua kém, Công ty Du lịch Việt Nam đưa ra chùm tour du Xuân Tam Chúc (Hà Nam), Yên Tử, Hạ Long (Quảng Ninh), Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình)…với giá khá rẻ.

Nhiều khu du lịch văn hóa tâm linh hút khách dịp đầu năm 2022
Năm 2022, chùa Bái Đính chỉ cử hành phần lễ, không tổ chức phần hội

Về giá tour, hầu hết các du khách đều cho biết mức giá chấp nhận được. Cụ thể, tour Yên Tử-chùa Ba Vàng (Quảng Ninh); tour chùa Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình) đi về trong ngày 790.000 đồng/khách; Tour chùa Tam Chúc - Bà Đanh (Hà Nam), tour đi lễ đền Ông Hoàng Bẩy - đền Mẫu (Lào Cai) 690.000 đồng/khách.

Thực tế cho thấy, ngay sau khi TP. Hà Nội cho phép khu danh thắng chùa Hương (huyện Mỹ Đức) được đón du khách, nhiều công ty du lịch đã mở bán tour lễ Phật chùa Hương trong 1 hoặc 2 ngày với giá từ 400.000 - 850.000 đồng/khách (bao gồm vé thắng cảnh, thuê đò, bảo hiểm, ăn nghỉ...).

Theo các doanh nghiệp lữ hành, du lịch hành hương lễ chùa, trẩy hội đầu năm đã trở thành thói quen trong văn hóa người Việt. Để thu hút du khách, các doanh nghiệp đã làm mới tour theo hướng kết hợp điểm du lịch tâm linh với các danh lam thắng cảnh. Cơ sở tôn giáo, điểm du lịch dần mở cửa đón khách cho thấy dấu hiệu ngành du lịch đã và đang phục hồi, tuy nhiên trong quá trình xây dựng, tổ chức tour đặt ra yêu cầu đối các doanh nghiệp du lịch, điểm đến phải bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Du lịch vẫn phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch

Tại miền Bắc, thời tiết khô ráo thuận lợi cho đi lễ chùa đầu năm. Những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như chùa Bái Đính, Tam Chúc,… ghi nhận hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Theo thống kê từ Ban Quản lý khu du lịch Tam Chúc, từ mùng 2 Tết Nhâm Dần, mỗi ngày hai chùa này đều đón vài ngàn khách tham quan. Đặc biệt ngày 5/2 (tức mùng 5 Tết Nhâm Dần), chùa Bái Đính đón khoảng 6.000 - 7.000 khách, chùa Tam Chúc cũng tương tự.

Nhiều khu du lịch văn hóa tâm linh hút khách dịp đầu năm 2022
Chùa Tam Chúc, một trong những khu du lịch tâm linh thu hút được nhiều du khách

Tại Bình Thuận, khu di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím ở xã Tân Tiến, thị xã La Gi, từ lâu đã trở thành một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng được nhiều người dân địa phương và du khách gần xa tìm đến hành hương kết hợp du lịch mỗi dịp Xuân về.

Đây là nơi hội tụ tín ngưỡng của đông đảo người dân gắn liền với sự tích Thầy Thím, là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nội dung mang nhiều yếu tố tích cực và có giá trị giáo dục, đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao cả qua nhân vật Thầy Thím. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, khu di tích đón hơn 20.000 lượt khách đến tham quan, dâng lễ, tăng từ 30 - 40% so với mọi năm. Lượng khách vẫn tiếp tục tăng trong dịp Rằm tháng Giêng năm nay và có thể kéo dài cho đến hết tháng Giêng.

Mặc dù khách đông nhưng các hoạt động diễn ra trật tự, không có cảnh xô đẩy, chen lấn. Để đảm bảo an toàn, ban quản lý khu di tích đã chủ động triển khai các kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19; phục vụ, đón tiếp du khách chu đáo, vệ sinh môi trường, phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tăng cường đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ...

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 70 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Để thu hút khách về các điểm du lịch tâm linh, khu di tích văn hóa, trong những năm qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực cũng như đẩy mạnh các nguồn xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, lịch sử các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh.

Tại Quảng Ninh, khu di tích danh thắng Yên Tử mở cửa đón du khách từ ngày 27/1. Đại diện Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cho biết: Nếu dịp tết năm ngoái, lượng khách chỉ bằng 1/10 mọi năm, thì năm nay, ngay từ mùng 1 tết, Yên Tử đã đón gần 1.500 khách và tiếp tục gấp đôi vào những ngày tiếp theo. Cao điểm là ngày mùng 4 và 5 tết, đơn vị đã đón trên 36.000 lượt khách. Đây là con số vô cùng đáng mừng, cho thấy sức hút của khu di tích danh thắng Yên Tử và sự phục hồi nhanh chóng của du lịch tâm linh.

Để đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan, chiêm bái, các điểm du lịch tâm linh đều trang bị mã QR để người dân khai báo y tế; cung cấp miễn phí khẩu trang, dung dịch rửa tay, sát khuẩn cho du khách; phun tiêu độc, khử trùng toàn vùng di tích, in thông tin cảnh báo du khách về dịch bệnh…

Tại Hà Tĩnh, dù thời tiết những ngày đầu năm mưa lạnh, các điểm du lịch tâm linh vẫn rất đông khách. Theo Ban Quản lý chùa Hương Tích, chỉ riêng 3 ngày đầu năm 2022, lượng khách đến tham quan, hành hương đã lên tới 1.200 lượt. Không chỉ có khách du lịch trong tỉnh, chùa Hương Tích còn là địa điểm du lịch tâm linh đầu năm quen thuộc với nhiều khách ngoại tỉnh như Nghệ An, Quảng Bình,… Các điểm du lịch tâm linh khác trên địa bàn như đền Bà Hải, đền Chợ Củi,… cũng tấp nập khách từ đầu năm./.