Lễ hội Katê Ninh Thuận: Níu chân du khách

Các dip lễ hội là dịp để người dân, du khách trong nước, quốc tế đến với Ninh Phước (Ninh Thuận) thưởng thức các hoạt đông văn hóa dân gian với phong cách độc đáo của đồng bào dân tộc Chăm. Đây cũng là cơ hội để động viên bà con ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; giúp nhau xóa đói giảm nghèo…

Ninh Thuận: Duy trì và phát triển lễ hội để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chăm
Đông đảo người dân, du khách vui hội Katê
Ở Ninh Thuận, đồng bào Chăm theo tôn giáo Bàlamôn có trên 50 ngàn người, sinh sống tập trung chủ yếu tại 24 thôn, khu phố trên địa bàn các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc và Thành phố Phan Rang- Tháp Chàm.

Trao đổi với phóng viên, ông Bá Bình Yên, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho hay, lễ hội Katê là minh chứng điển hình về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hoá và cũng là cơ hội rất lớn để vừa tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao tinh thần đoàn kết dân tộc, vừa phát triển du lịch, nâng cao kinh tế - xã hội địa phương, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong các dịp lễ hội, các đoàn lãnh đạo tỉnh, huyện, các xã, thị trấn đều tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà chúc mừng Katê tại các làng, cơ sở thờ tự, cán bộ là người Chăm, các vị chức sắc, trí thức ở các địa phương.

Bên cạnh đó, địa phương tổ chức tổng vệ sinh làng phố, gắn các điểm treo cờ Tổ quốc, in ấn treo bang rôn ở các tuyến đường, cổng làng và ở các điểm đón khách du lịch.

Đặc biệt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng nghề dệt thổ cẩm đều tích cực chuẩn bị hàng hóa, tăng cường sản xuất các mặt hàng để phục vụ khách du lịch.

Trong những ngày qua, ước tính có hàng vạn người Chăm theo đạo Bàlamôn và du khách trong cả nước, quốc tế đến tháp: PôKlong Grai, Pô Inư Nưgar, Pô Rômê và các thôn: Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) vui trẩy hội Katê. Lễ hội Katê năm 2023 diễn ra trong không khí vui tươi, rộn ràng với nhiều nghi thức văn hóa truyền thống đặc trưng đồng bào Chăm.

Đến với Lễ hội Katê, nhiều du khách đánh giá, lễ hội rất ấn tượng và độc đáo. Năm nào cũng vậy cứ đến dịp lễ hội này là lại đến Ninh Thuận trải nghiệm không khí, các hoạt động văn hóa múa Chăm... Việc duy trì lễ hội và giữ gìn các giá trị văn hóa đồng bào Chăm tạo nên những điều độc đáo, thú vị níu chân du khách.

Nâng tầm giá trị văn hóa

Có thể thấy, sau gần 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới. Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm đã có bước phát triển rõ rệt, ở mức khá so với các dân tộc thiểu số khác.

Ninh Thuận: Duy trì và phát triển lễ hội để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chăm
Các lễ hội thu hút rất đông khách du lịch và cộng đồng dân địa phương tới tham dự

Chia sẻ về kế hoạch thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cho hay, bên cạnh công tác nâng tầm các giá trị văn hóa truyền thống như: các hoạt động lễ hội, giới thiệu làng nghề truyền thống, các nghi lễ tôn giáo…tỉnh sẽ phát triển các sản phẩm văn hóa khác như sân khấu biểu diễn, các nhạc cụ, các ca khúc truyền thống mang âm hưởng dân ca Chăm…để đa dạng hóa, phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức của khách du lịch.

Song song với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, từng bước để đồng bào từ chỗ tự hào dẫn đến gìn giữ và lưu truyền di sản ấy, để từ đó lan truyền những vẻ đẹp đáng trân trọng của văn hóa Chăm với du khách gần xa… thiết thực góp phần vào nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa cơ sở, hưởng ứng phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trong hệ thống lễ hội của người Chăm, thì Katê là lễ hội lớn nhất, lễ là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của người Chăm theo đạo Bàlamôn; phản ánh nhiều khía cạnh văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật liên quan đến sinh hoạt và đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của đồng bào Chăm theo tôn giáo Bàlamôn.

Lễ hội là một bộ phận cấu thành nền văn hóa truyền thống Chăm mang đậm bản sắc và dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Lễ hội Katê là dịp để người dân, du khách trong nước, quốc tế đến với Ninh Phước thưởng thức các hoạt đông văn hóa dân gian với phong cách độc đáo của đồng bào dân tộc Chăm.