Thanh Hóa: Nhiều điển hình phát triển kinh tế trong đồng bào Công giáo

Tuyên truyền, vận động hộ gia đình giáo dân tại xã Nga Liên (Nga Sơn) tham gia mua bảo hiểm y tế tự nguyện.

Góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Tỉnh Thanh Hóa có gần 154.000 giáo dân đang sinh sống tại 27 huyện, thị xã, thành phố. Hưởng ứng các phong trào thi đua do Trung ương và tỉnh phát động, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh cụ thể hóa các nội dung hoạt động của tổ chức mình thông qua xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm. Đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn phù hợp với chủ đề, đối tượng vận động để triển khai đến ủy ban MTTQ, ban đoàn kết Công giáo các huyện, thị, thành phố có xứ, họ đạo. Phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết, biểu dương khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ và các phong trào thi đua.

Hàng năm, các cấp hội khuyến học quản lý quỹ trên 400 tỷ đồng; có nhiều mô hình hiệu quả như: “Dòng họ khuyến học”, “Giáo họ hiếu học”, “KDC hiếu học”, “Gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi”... Đã có hàng nghìn lượt con em giáo dân đậu vào các trường đại học, cao đẳng, sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định.

Thông qua đó, 8 nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” đã được triển khai sâu rộng trên các địa bàn dân cư và nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Những kết quả tốt đẹp mang lại đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững an ninh trật tự, đặc biệt tạo ra mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa bà con lương - giáo ở các khu dân cư (KDC) trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong phát triển kinh tế, nhiều địa phương, đồng bào Công giáo đã xây dựng trang trại, đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ 100 - 400 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, đồng bào Công giáo đã coi trọng việc phát triển nghề phụ, nghề truyền thống, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương có mức thu nhập ổn định từ 4 - 10 triệu đồng/người/tháng, qua đó góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhiều vị linh mục, tu sĩ, chức việc là những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, xây dựng giáo xứ, họ đạo và KDC giàu đẹp.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), đồng bào Công giáo đã tự nguyện đóng góp trên 20 tỷ đồng, hiến trên 90 ha đất, trên 67 nghìn ngày công, sửa chữa và làm mới nhiều nhà văn hóa thôn, hơn 700 km đường giao thông nông thôn và nhiều đèn điện chiếu sáng, góp phần đưa số huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh lên 12 đơn vị; số xã, thôn, bản đạt chuẩn NTM lên 346 xã, 902 thôn, bản (trong đó có 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 9 xã và 242 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu).

Hoạt động từ thiện góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo

Thanh Hóa: Nhiều điển hình phát triển kinh tế trong đồng bào Công giáo
Đồng bào công giáo tỉnh Thanh Hóa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. (Ảnh: TL)

Với tinh thần “yêu thương và phục vụ”, trong những năm qua đồng bào Công giáo cùng với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” ngày càng hiệu quả. Trong 2 năm qua đã làm mới và sửa chữa 4.392 căn nhà đại đoàn kết; tặng quà học sinh nghèo vượt khó, các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất trị giá hàng trăm tỷ đồng. Các hoạt động từ thiện, bác ái của đồng bào Công giáo đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh xuống còn 1,52%...

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lê Thị Huyền, kết quả của phong trào thi đua yêu nước sống “tốt đời, đẹp đạo” với những việc làm cụ thể ở mỗi địa phương, mỗi xứ đạo, mỗi KDC, ở mỗi gia đình và từng cá nhân là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của các vị linh mục, tu sĩ, hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo hội và cộng đoàn giáo dân. Đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Công giáo không ngừng được cải thiện, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bộ mặt KDC ngày càng khang trang, đồng bào Công giáo trong tỉnh phấn khởi, yên tâm sống “tốt đời”, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc và góp phần làm “đẹp đạo” theo đúng tinh thần “yêu thương” của người Kitô giáo.

Từ năm 2017-2021 Caritas Giáo phận Thanh Hóa đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ gần 7,5 tỷ đồng xây 48 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ giáo dân nghèo tại huyện Yên Định, Thọ Xuân. Năm 2022 tiếp tục hỗ trợ xây dựng 52 nhà Đại đoàn kết cho đồng bào Công giáo sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống tại các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành, với mức hỗ trợ dự kiến 50 triệu đồng/nhà.