Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần chính đáng của nhân dân
Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần chính đáng của nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tinh thần này được thể hiện xuyên suốt từ chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước đến thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong nhiều năm qua.
![]() |
Người dân hành hương tại chùa Bài Đính, Ninh Bình. Ảnh: Hải Anh |
Trong bối cảnh đất nước mới giành được độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ quan điểm mang tính nguyên tắc trong chính sách tôn giáo của Việt Nam: “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng, tự do và lương - giáo đoàn kết”. |
Ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 234/SL gồm 5 chương, 16 điều, văn bản pháp quy đầu tiên, quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo của người dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của chức sắc tôn giáo, tín đồ về hoạt động tôn giáo tại Việt Nam: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy…”.
Quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước ta thể hiện trên nguyên tắc Hiến định, được quy định trong các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Thể hiện quan điểm xuyên suốt nhất quán về công tác tôn giáo, Đảng ta khẳng định “tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng với dân tộc”, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc là yêu cầu quan trọng của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.
Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân ngay trong thực tiễn, trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới từ năm 1990 đến nay, Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết. Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo, đã ghi rõ: “Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trong 20 năm qua, Nhà nước đã ban hành hơn 30 văn bản pháp quy quy định về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, sửa đổi các điều luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân như: Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị số 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà đất liên quan đến tôn giáo...
Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Bằng chứng sinh động về tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Theo đánh giá của Ban Tôn giáo, Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến nay có bằng chứng sinh động trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, là nguyên tắc nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam, vì cuộc sống tinh thần của hàng triệu tín đồ các tôn giáo, thể hiện đầy đủ bản chất Nhà nước dân chủ, pháp quyền.
Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích cực vào đời sống tinh thần của toàn xã hội.
![]() |
Tự do tín ngưỡng tôn giáo kết nối đoàn kết dân tộc. Ảnh: minh họa |
Thực tế cũng cho thấy, trong giai đoạn 2003-2022, số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng đáng kể, phản ánh nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của người dân, khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Hàng năm, có trên 8.000 lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn tín đồ tham gia và trong 10 năm thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp hàng trăm héc ta đất để xây dựng cơ sở thờ tự.
Đặc biệt là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam và của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được Đảng, Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm.
Với số lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng, trong đó có một bộ phận là tín đồ tôn giáo, chính quyền các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện cho người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện nay, có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp trên cả nước.
Điều đó minh chứng cho chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại; tạo được lòng tin của chức sắc, tín đồ vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, khơi dậy những đóng góp tích cực của các tôn giáo vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tại các diễn đàn song phương, đa phương, các tổ chức tôn giáo Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần yêu chuộng hòa bình và lòng tự hào dân tộc, tích cực ủng hộ và đóng góp sáng kiến vào các tuyên bố chung, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, giảm xung đột, bạo lực và chiến tranh vì lý do tôn giáo, sắc tộc. Vận động các tôn giáo đồng đạo trên thế giới ủng hộ Việt Nam xây dựng, phát triển đất nước, khẳng định truyền thống đoàn kết, yêu nước của đồng bào tôn giáo luôn được vun bồi, phát huy và tỏa sáng trong lòng dân tộc Việt Nam. |