Phật giáo và Công giáo trong lịch sử truyền bá và phát triển ở Việt Nam
Theo GS, TS Đỗ Quang Hưng, Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn của thế giới. Một điều thú vị là, Phật giáo vào Việt Nam không phải là đi một mình mà đi liền với hiện tượng tôn giáo rất đặc biệt của Trung Quốc, đó là Tam giáo (Nho, Phật, Đạo). Lịch sử tôn giáo thế giới thường gọi là chế độ Tam giáo của Trung Quốc.
![]() |
Phật giáo, Công giáo đồng hành cùng sự nghiệp phát triển đất nước. Ảnh: Hải Anh |
Tại Việt Nam, Phật giáo đã phát triển cực thịnh vào khoảng thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Sau này, đã có thêm một bộ phận nữa là Phật giáo Nam Tông Khmer, tên quốc tế là Theravada hay còn gọi là Phật giáo nguyên thủy. Trong lịch sử quá trình truyền bá và phát triển thì hai tôn giáo này gặp nhiều thuận lợi. GS, TS Đỗ Quang Hưng luận bàn, đây là hai tôn giáo lớn của thế giới và khi xâm nhập vào Việt Nam, đều được tinh thần cởi mở, hài hòa và khoan dung tôn giáo của người Việt đón nhận.
Đến nửa đầu thế kỷ 20, xuất hiện thêm một hệ phái lớn nữa của Phật giáo Việt Nam, đó là hệ phái Khất sĩ do thầy Minh Đăng Quang là người sáng lập, tồn tại chủ yếu ở Nam Bộ. Như vậy, trong cái nhìn tương quan với khu vực Đông Bắc Á, Việt Nam là nước duy nhất mà cấu trúc Phật giáo có đầy đủ ba hệ phái đó là: Bắc Tông - Nam Tông - Khất sĩ.
Đạo Phật do quá trình xâm nhập và phát triển nhanh chóng và bền bỉ, đã trở thành một nguồn lực. Tư tưởng triết học lối sống, tâm lý, đạo đức Phật giáo gắn rất chặt với nhân dân, từ đó tạo nên một nền văn hóa Phật giáo có thể nói rất rực rỡ và chắc chắn. Sau khi cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước thắng lợi, lần đầu trong lịch sử, đạo Phật đã được thống nhất tất cả các hệ phái, chi phái, tông phái trong một ngôi nhà chung, đó là: Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Về Công giáo, có thể nói việc truyền bá đạo Công giáo sang các nước Á Đông, nói chung là chậm hơn nhiều so với Phật giáo. Nhưng quan trọng hơn, chỉ khi chủ nghĩa tư bản phát triển với cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ hai, thì mới có phương tiện cho các giáo sĩ đi mở nước Chúa. Cùng lúc đấy, xuất hiện một phong trào thực dân và câu chuyện, truyền giáo - thực dân ngay từ đầu, đã có sự liên kết. Do vậy, vô tình hay hữu ý, việc truyền giáo đã gắn liền với chủ nghĩa thực dân một thời gian dài.
Sự hình thành cộng đồng Công giáo Việt Nam so với thế giới là tương đối muộn, nhưng lại thuộc hàng sớm trong khu vực, hơn thế nữa, đất nước ta nằm ở ngã tư các nền văn minh giao thương cho nên rất nhiều dòng tu nổi tiếng của giáo hội Công giáo truyền vào Việt Nam. Do vậy, Công giáo ở Việt Nam có tính quốc tế cao. Đến năm 1980, Giáo hội Công giáo Việt Nam lần đầu có thư chung 1980, xác định con đường đồng hành với Dân tộc, "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc".
Bác Hồ từng nói, về cơ bản đồng bào tôn giáo ở nước ta là nhân dân lao động và đồng bào luôn có truyền thống yêu nước. Đây là điều rất quan trọng để giữ cho khối đại đoàn kết dân tộc luôn vững chắc. |
Mức độ Việt Nam hóa của đạo Phật và đạo Công giáo có nhiều tương đồng và thuận lợi: nếu như đạo Phật vào Việt Nam và hài hòa chính trị trong cung đình lẫn dân chúng ở triết lý từ bi hỉ xả thì Công giáo cũng vậy, Thiên Chúa là tình yêu và người dân cũng chỉ cần biết thế thôi.
Riêng đối với Công giáo Việt Nam thì mức độ "Việt hóa" có gian khổ hơn, nhưng càng về sau càng cho thấy hội nhập văn hóa của đạo Công giáo vào Việt Nam là khá tốt. Tôi cho rằng đây là những tương đồng và cũng là những thuận lợi của hai tôn giáo này trong quá trình truyền bá vào Việt Nam.
Phật giáo, Công giáo đồng hành cùng sự nghiệp phát triển đất nước
Đề cập tới chủ đề "Tôn giáo đồng hành cùng sự nghiệp phát triển đất nước", GS, TS Đỗ Quang Hưng luận giải, chủ trương tự do tín ngưỡng đã ghi dấu từ năm 1945.
Về Phật giáo, GS, TS Đỗ Quang Hưng phát biểu, đây là một tôn giáo khá ổn định với một lực lượng tín đồ đông nhất trong các tôn giáo ở Việt Nam. Phật giáo có vai trò nhất định trong đời sống xã hội và đời sống tình cảm, tinh thần của người dân Việt Nam từ bắc chí nam.
![]() |
Thắng cảnh trung tập Phật giáo - Bái Đính, Ninh Bình. Ảnh: Hải Anh |
Đối với Công giáo, vốn là tôn giáo độc thần lớn và là sản phẩm của văn minh phương Tây. Công giáo đã có thành tựu nhất định, trong việc "Việt Nam hóa" - Được hiểu theo nghĩa tích cực nhất, đó là không làm mất bản sắc của một tôn giáo độc thần với Thiên Chúa ba ngôi, tôn giáo của tình yêu, nhưng ngày càng phù hợp hơn trong tương quan với dân tộc và văn hóa Việt Nam.
Công giáo ngày càng hội nhập hơn nữa thích ứng hơn nữa với môi trường chính trị xã hội của đất nước ta. Điều mà Bác Hồ đã nói rất hay, đại thể là chủ nghĩa Mác không có gì mâu thuẫn với lý tưởng giải phóng con người của Thiên Chúa cả.
Trên thực tế, ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 234/SL gồm 5 chương, 16 điều, văn bản pháp quy đầu tiên, quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo của người dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của chức sắc tôn giáo, tín đồ về hoạt động tôn giáo tại Việt Nam: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy…”.
Quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước ta thể hiện trên nguyên tắc Hiến định, được quy định trong các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Thể hiện quan điểm xuyên suốt nhất quán về công tác tôn giáo, Đảng ta khẳng định: “Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng với dân tộc”, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc là yêu cầu quan trọng của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. |