Thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tại khoản 14 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: "Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo”. Với khái niệm này, cần đánh giá cách tiếp cận như định nghĩa khái niệm “đất tôn giáo” ở dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bao quát với đất xây dựng cơ sở tôn giáo hay chưa.
![]() |
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội |
Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần rà soát, hoàn thiện nội dung này để bảo đảm quy định thống nhất giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tránh phát sinh các khái niệm mới dễ gây tranh cãi. Việc không thống nhất trong cách hiểu về đất tôn giáo sẽ dẫn đến việc thực hiện không thống nhất, có thể sẽ phát sinh tranh chấp, khiếu nại.
"Đây là vấn đề cần tránh khi quy định nội hàm các loại đất, đặc biệt là đất tín ngưỡng, tôn giáo. Cần thống nhất cách nhận định giữa 2 loại đất, đó là đất tín ngưỡng và đất tôn giáo. Việc quy định loại đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt" - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đề nghị.
Liên quan đến Điều 7 về người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao để quản lý, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đề nghị bổ sung thêm một khoản là “Người đại diện tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng đất làm cơ sở thờ tự, trụ sở của tổ chức và đất sử dụng vào mục đích khác theo quy định của luật”. |
Đối với khoản 9 Điều 79, đại biểu đoàn TP. Hà Nội đề nghị không nên liệt kê các công trình của tôn giáo cũng như tín ngưỡng. Bởi, mỗi một tôn giáo có một tên của cơ sở tôn giáo riêng.
“Nếu chúng ta liệt kê thì sợ rằng tôn giáo này có, tôn giáo kia không có; tín ngưỡng này có, tín ngưỡng kia không có. Do vậy, không nên để từ “chùa”, “thánh thất”, “am, đường, đền, phủ”. Nếu để như vậy sẽ thiếu, chúng ta chỉ cần nêu tôn giáo và tín ngưỡng; cơ sở của tôn giáo và cơ sở tín ngưỡng, như vậy sẽ bao gồm tất cả” - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm giải thích.
Về Điều 213 quy định về đất tín ngưỡng, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm lưu ý vẫn đang sử dụng hai từ là “từ đường” và “nhà thờ họ”. Theo Hòa thượng, tín ngưỡng của người Việt Nam thờ cúng tổ tiên, nếu nói theo chữ âm Hán Việt là “từ đường”, nếu nói từ tiếng Việt là “nhà thờ họ”, không nên để cả “từ đường” và “nhà thờ họ” vì như vậy là thừa.
Cũng liên quan đến đất tôn giáo, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị quy định rõ ràng các công trình tôn giáo hợp pháp khác là gì để tránh lợi dụng được cấp đất để mê tín, dị đoan. Ngoài ra, cũng cần xác định đất tôn giáo bao gồm các công trình gì, quy định cụ thể hạn mức đất tôn giáo…
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị ban soạn thảo rà soát thêm đối với các quy định liên quan đến đất tôn giáo, đất tín ngưỡng, đất văn hóa và đất giáo dục sao cho các khái niệm được sử dụng thống nhất với Luật Di sản văn hóa, Luật Giáo dục và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Đất tôn giáo sử dụng đa mục đích phải được phê duyệt phương án sử dụng đất
Tiếp thu các ý kiến đại biểu, tại dự thảo Luật Đất đai mới nhất được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 11, một số vấn đề liên quan đến đất tín ngưỡng, đất tôn giáo đã được tiếp thu, chỉnh sửa.
![]() |
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã làm rõ hơn khái niệm đất tôn giáo, đất tín ngưỡng. Ảnh minh họa |
Theo đó, tại Điều 213 về đất tín ngưỡng quy định rõ “đất tín ngưỡng là đất có công trình tín ngưỡng gồm đình, đền, miếu, am, nhà thờ họ; chùa không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 214 của Luật này; các công trình tín ngưỡng khác”.
Việc sử dụng đất tín ngưỡng phải đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tại Điều 214 về đất tôn giáo, dự thảo Luật quy định “đất tôn giáo gồm đất xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và các công trình tôn giáo hợp pháp khác”.
Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
UBND cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Trường hợp Nhà nước thu hồi đất tôn giáo thì được bố trí địa điểm mới phù hợp với quỹ đất của địa phương và sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ.
Dự thảo cũng quy định rõ việc sử dụng đất tôn giáo, đất tín ngưỡng kết hợp với thương mại dịch vụ phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 219 của Luật này.
Đất tôn giáo, tín ngưỡng làm thương mại, dịch vụ phải thực hiện nghĩa vụ tài chínhTheo khoản 2, điều 219 về sử dụng đất kết hợp đa mục đích của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đất tôn giáo, đất tín ngưỡng được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ. Việc sử dụng đất kết hợp với thương mại dịch vụ phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, phải đáp ứng các yêu cầu: Không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất và đã được xác định tại các loại giấy tờ theo quy định; Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính; Không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; Hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường; Không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề; Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định; Phải tuân thủ các pháp luật có liên quan. |