Sự ra đời tất yếu lịch sử của Ủy ban Đoàn kết Công giáo

GS.TS Đỗ Quang Hưng cho hay, việc tìm kiếm mô hình tổ chức cho UBĐKCG cũng giống như nhiều tổ chức yêu nước và cách mạng khác là cả một quá trình lâu dài trong thực tiễn cách mạng.

Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của đồng bào công giáo
Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của đồng bào công giáo. Ảnh: CTV

Hội Công giáo cứu quốc ra đời từ 8/1945 theo sáng kiến của Hồ Chí Minh tuy chưa có ảnh hưởng ra nước ngoài nhưng cũng là cầu nối đầu tiên để các giáo hữu và các Linh mục yêu nước tham gia cách mạng.

Từ ngày 8 đến 11/3/1955, tại Hà Nội, Hội nghị Công giáo toàn quốc đã thành lập UBLL toàn quốc những người Công giáo yêu tổ quốc, yêu hoà bình, tiền thân của UBĐKCGVN hiện nay.

Tháng 3/1946, tại Hà Nội, Liên đoàn Công giáo Việt Nam xuất hiện, tồn tại song song với tổ chức trên trong chừng mực nào đó lôi cuốn đông đảo hơn thành phần giáo dân. Riêng Liên đoàn Công giáo Nam bộ, thành phần tham gia đông đảo hơn bao gồm các Linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Ngoài ra, trong kháng chiến chống Pháp, ở từng khu vực còn có các hình thức tổ chức khác. Thí dụ ở Bắc bộ có: Ủy ban Liên lạc (UBLL) kháng chiến Liên khu III, UBLL kháng chiến Tả ngạn, Hội Công giáo kháng chiến Việt Bắc.

Mặc dù có nhiều tên gọi và phạm vi hoạt động khác nhau nhưng tính cách của các tổ chức trên đều là một.

Tháng 8 năm 1953, tại Chiến khu Việt Bắc, Hội nghị Tôn giáo toàn quốc nhóm họp với sự quy tụ của 164 đại biểu trí thức của các tôn giáo như Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Tin Lành. Hội nghị quan trọng này có thể coi là sự đánh dấu sự xuất hiện ý tưởng về một tổ chức yêu nước, đoàn kết Công giáo rộng rãi hơn, thực sự có tính cách toàn quốc.

Bước phát triển sau khi thống nhất đất nước

Sau tháng 4/1975, Ủy ban Liên lạc toàn quốc những người Công giáo yêu tổ quốc, yêu hoà bình đã hiệp thương với các tổ chức Công giáo Nam bộ và tháng 11/1983, tại Đại hội toàn quốc, đã chính thức thành lập UBĐKCGVN do Linh mục Nguyễn Thế Vịnh làm Chủ tịch. Năm 1997, tại Đại hội III của UBĐKCG đã có cơ sở ở 34 tỉnh, thành phố. Kể từ khi thành lập đến nay, tổ chức này đã hoạt động theo đường hướng đúng đắn và sâu rộng hơn.

Đó là, động viên người Công giáo cùng toàn dân tích cực xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN. Góp sức thực hiện đường hướng: “Giáo hội gắn bó với dân tộc, tăng cường xây dựng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng về truyền thống đạo đức và văn hoá dân tộc, cảnh giác trước âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch, giữ gìn Đạo Thánh Chúa".

Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của đồng bào công giáo
Đại hội toàn quốc người Công giáo Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028. Ảnh: CTV

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển đất nước, đến nay, UBĐKCGVN đã và đang là tổ chức có tính cách xã hội rộng lớn của Giáo hội, là cầu nối giữa Giáo hội và Nhà nước, là tổ chức rộng rãi không bị chi phối trực tiếp bởi huấn quyền của Giáo luật nên có thể phát huy khả năng yêu nước, đồng hành với dân tộc của đông đảo Linh mục, tu sĩ và giáo dân, luôn tìm được sự hỗ trợ và bảo hộ của Nhà nước.

Như vậy, rõ ràng trong sự hình thành và phát triển của nửa thế kỷ qua của tổ chức UBĐKCG, có vai trò quan trọng của những người Cộng sản Việt Nam, một vai trò chỉ có thể coi là sự phù hợp giữa tình cảm và lý trí, giữa Đạo và Đời, giữa Nhà nước và Giáo hội trong điều kiện của đời sống tôn giáo ở Việt Nam.

Nhìn lại tiến trình lịch sử vẻ vang của UBĐKCGVN, từ một tổ chức, sáng kiến chính trị của Hồ Chí Minh, hiện nay, UBĐKCGVN là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày càng phát huy tinh thần yêu nước, và truyền thống đại đoàn kết dân tộc trong đồng bào Công giáo, góp phần tích cực vào sự phát triển đất nước trong tình hình mới.