Đồng bào Công giáo thoát nghèo nhờ những mô hình làm kinh tế giỏi

Mô hình nuôi thỏ của hộ gia đình ông Vũ Xuân Soạn tại thôn Hợp Gia, xã Quảng Hợp với lợi nhuận hàng năm đạt khoảng 250 triệu đồng. Ảnh: TL

Sôi nổi phong trào thi đua phát triển kinh tế

Hiện trên địa bàn huyện có gần 1.000 hộ đồng bào Công giáo với 4.800 nhân danh, sinh hoạt ở 4 nhà thờ giáo xứ và 5 nhà thờ giáo họ. Trong quá trình triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đồng bào luôn nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các ban, ngành, đoàn thể các cấp, sự đồng thuận, ủng hộ của các vị Linh mục, Chánh trương, Trùm trưởng. Bên cạnh đó, đồng bào Công giáo trên địa bàn huyện có truyền thống yêu nước, tương thân, tương ái để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Các chính sách về tôn giáo, dân tộc được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào.

Đồng bào Công giáo trên địa bàn huyện rất coi trọng việc phát triển nghề phụ, nghề truyền thống, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương có mức thu nhập ổn định, qua đó góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đồng bào Công giáo ở đây luôn tin tưởng vào đường lối, cơ chế chính sách của Đảng và điều hành quản lý của Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Ban đoàn kết Công giáo thường xuyên phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội các cấp để làm tốt công tác tham mưu, lồng ghép, triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

Nổi bật là phong trào thi đua phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, đã xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, như: Gia đình ông Trần Văn Thịnh, thôn Đồng Tâm, xã Quảng Trường với mô hình trang trại tổng hợp, cho thu nhập hàng năm đạt gần 500 triệu đồng; mô hình nuôi thỏ của hộ gia đình ông Vũ Xuân Soạn tại thôn Hợp Gia, xã Quảng Hợp với lợi nhuận hàng năm đạt khoảng 250 triệu đồng; mô hình trang trại trồng trọt chăn nuôi tổng hợp của hộ gia đình anh Trần Văn An tại thôn Xuân Tiến, xã Quảng Long thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; mô hình vươn lên thoát nghèo từ việc nuôi thỏ, chim bồ câu và sản xuất đậu phụ của ông Vũ Văn San, thôn Kim Lâm Đồng, xã Quảng Văn với nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; mô hình gia công sản phẩm tăm tre của hộ gia đình anh Nguyễn Xuân Giáp (Phó Chánh trương giáo xứ Đa Minh, xã Quảng Long) đã tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật với mức thu nhập từ 2 đến 4 triệu đồng/tháng và đạt doanh thu đạt trên 300 triệu đồng/năm...

Từ những mô hình điển hình trên, đã lan tỏa và góp phần thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho bà con giáo dân, số hộ khá, hộ giàu năm sau cao hơn năm trước.

Bộ mặt nông thôn xứ đạo khởi sắc, chất lượng cuộc sống được cải thiện.

Đồng bào Công giáo thoát nghèo nhờ những mô hình làm kinh tế giỏi
Các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: TL

Hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, với 8 nội dung của phong trào đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn các dân cư, hướng đồng bào Công giáo tới những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng các xứ đạo ngày càng khởi sắc, các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, xứ đạo bình yên được cũng được giáo dân ở đây tích cực hưởng ứng. Bà con giáo dân luôn thực hiện tốt các quy ước, hương ước làng văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường. Các chức sắc, chức việc luôn đi đầu trong việc tuyên truyền, động viên bà con giáo dân xây dựng và nhân rộng các mô hình, như: "Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa", khu dân cư "không có tội phạm, tệ nạn xã hội"…

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với phong trào xanh - sạch - đẹp đã có nhiều gia đình giáo dân đã tự nguyện đóng góp hàng ngàn ngày công, hiến hàng chục ngàn m2 đất, tháo dỡ tường rào để mở rộng đường giao thông, cải tạo chỉnh trang nhà ở, khuôn viên, đường làng, ngõ xóm… hàng trăm km đường giao thông nông thôn trong huyện được tu sửa và làm mới, các tuyến đường được mở rộng từ 3 mét lên 6 mét. Nhiều thôn xóm Công giáo đã xây dựng cổng làng to, đẹp với giá trị hơn 100 triệu đồng, các thôn đều xây dựng mới được Nhà văn hóa thôn. Bộ mặt nông thôn xứ đạo khởi sắc, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện….

Đồng hành với Giáo hội Công giáo, các cấp ủy đảng, chính quyền, Ban Dân vận, MTTQ trong huyện luôn quan tâm xây dựng mối quan hệ gắn bó, phối hợp, tạo điều kiện để Giáo hội và bà con Giáo dân hoạt động, công tác, lao động, sản xuất theo giáo lý, giáo luật và quy định của Nhà nước. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền huyện đều tổ chức thăm hỏi, động viên, chúc mừng chức sắc, bà con giáo dân nhân các ngày lễ tết của dân tộc, các ngày lễ trọng như Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh; vận động nhân dân hưởng ứng, tham gia phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam phát động. Sinh hoạt tôn giáo luôn được các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc quan tâm giúp đỡ, nhằm củng cố thêm niềm tin của đồng bào Công giáo với Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt phương châm "Kính Chúa, yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo".

Bằng những hành động, việc làm cụ thể thiết thực, đồng bào Công giáo trên địa bàn huyện đã chứng minh thực hiện tốt đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào” và phong trào thi đua “Tốt đời, đẹp đạo”. Những phong trào thi đua đó, đã và đang lan tỏa nơi các xứ đạo, góp phần tích tịch vào việc xây dựng quê hương Quảng Xương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.

Ngoài phong trào thi đua lao động sản xuất, tích cực làm giàu, đồng bào Công giáo huyện Quảng Xương cùng với các tầng lớp nhân dân trong huyện còn tích cực hưởng ứng cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên phối hợp thực hiện, như ủng hộ xây dựng Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn, đáp nghĩa, Quỹ ủng hộ trẻ em khuyết tật, mồ côi, xây dựng nhà đại đoàn kết, ủng hộ đồng bào thiên tai…