Nhận diện hiện tượng tôn giáo mới

“Hiện tượng tôn giáo mới” ở Việt Nam rất đa dạng, một mặt đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân, mặt khác đã có một số tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Vì vậy, nhận diện những vấn đề đang đặt ra cho công tác nghiên cứu và quản lý với hiện tượng tôn giáo mới để có thể vừa đảm bảo tự do tôn giáo, tín ngưỡng, vừa bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, ổn định an ninh, trật tự xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Có thể hiều, thuật ngữ “hiện tượng tôn giáo mới” để chỉ các nhóm, phái… có tính chất tôn giáo, chưa được công nhận và đăng ký hoạt động, mới nổi tại một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam xuất hiện từ giữa thế kỷ XX trở lại đây, với lý do khái niệm này dễ được chấp nhận cả trong giới nghiên cứu và quản lý.

TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh cho hay, Việt Nam là nước đa tôn giáo. Tính đến nay, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo. Việt Nam trong gần 30 năm qua cũng đã xuất hiện nhiều hiện tượng tôn giáo mới với biểu hiện, tính chất khác nhau, một số hiện tượng tôn giáo mới mang màu sắc chính trị, mê tín dị đoan.

Sự xuất hiện các hiện tượng tôn giáo nói trên đã và đang đặt ra một nhu cầu bức thiết đối với các nhà nghiên cứu và quản lý, cần có lời giải đáp trong việc nhận thức về những vấn đề đang đặt ra cho công tác quản lý nhà nước đối với hiện tượng tôn giáo mới để có thể vừa đảm bảo tự do tôn giáo, tín ngưỡng, vừa bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, ổn định an ninh, trật tự xã hội.

Vì vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra là cần phải sớm xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hình thành chủ trương và giải pháp đối với các hiện tượng tôn giáo mới ở nước ta hiện nay và giải pháp, ứng xử đối với các hiện tượng tôn giáo mới trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Nhìn nhận thấu đáo về hiện tượng tôn giáo mới hiện nay
Nhìn nhận thấu đáo về hiện tượng tôn giáo mới hiện nay. Ảnh: Hải Anh

Các khái niệm liên quan đến hiện tượng tôn giáo mới và một số vấn đề đặt ra trong việc sử dụng khái niệm, thuật ngữ hiện tượng tôn giáo mới.

Trong tiếp cận học thuật của thế giới hiện nay, các nhóm tôn giáo thường được gọi một cách phổ biến là “phong trào tôn giáo mới” hoặc “các tôn giáo mới”. Tuy nhiên, tìm một định nghĩa cho khái niệm này rất khó. Các nhà nghiên cứu thay vì đưa ra định nghĩa, thường cố gắng chỉ ra các đặc điểm chung của các nhóm tôn giáo mới. Nhìn chung, các “phong trào tôn giáo mới” có đặc điểm chung là thể hiện sự mới và lạ về niềm tin, thực hành nghi lễ và cách tổ chức cộng đồng tín đồ.

Ở Việt Nam, trong thập niên 90 thế kỷ XX, nhiều nhà nghiên cứu tán đồng với các nhà quản lý gọi các hiện tượng tôn giáo mới là “đạo lạ”3. Từ đầu thế kỷ XXI, đa số các nhà nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam, nhất là Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), sử dụng thuật ngữ “hiện tượng tôn giáo mới”. Bên cạnh hai xu hướng nêu trên, cho đến nay, ở nước ta, một bộ phận các nhà nghiên cứu, chủ yếu đào tạo ở Phương Tây, vẫn sử dụng phổ biến thuật ngữ “phong trào tôn giáo mới”.

Đặc điểm các hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam

Các hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện ở nước ta hiện nay, ngoại trừ một số hiện tượng tôn giáo mới từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam, còn lại đa số đều có nguồn gốc phát sinh từ trong nước và phần nhiều xuất hiện trong những năm 90 của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.

Các hiện tượng tôn giáo mới này xuất hiện và tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phía Bắc, nhất là vùng Đồng bằng Bắc bộ. Hiện nay, hiện tượng tôn giáo mới đã và đang xuất hiện, phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước, vùng sâu, vùng xa. Đã có những hiện tượng tôn giáo mới mà người tin theo chỉ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Về ảnh hưởng tích cực, một số hiện tượng tôn giáo mới phần nào đáp ứng được nhu cầu tinh thần, bù đắp tâm lý và niềm tin trước những khó khăn trong cuộc sống của một bộ phận người dân; là một trong những phương thức để người tin theo thể hiện tâm tư đối với những bất cập của xã hội, những khó khăn thực tại đang đặt ra với đời sống của họ.

Nhìn nhận thấu đáo về hiện tượng tôn giáo mới hiện nay
Nhìn nhận thấu đáo về hiện tượng tôn giáo mới hiện nay.

Một số hiện tượng tôn giáo mới có những nội dung sinh hoạt tôn vinh những người có công với cộng đồng, dân tộc, thể hiện đạo đức “uống nước nhớ nguồn”. Một số khác gắn với việc luyện tập tăng cường sức khỏe, kết hợp chữa bệnh bằng các yếu tố “tâm linh” và “bài thuốc” đơn giản, nên có sức “hấp dẫn” đối với những người muốn cải thiện sức khỏe và chữa trị các bệnh hiểm nghèo.

Ở một số địa phương có hiện tượng tôn giáo mới còn là yếu tố góp phần hình thành những cộng đồng dân cư liên kết niềm tin, cố kết cộng đồng tại một địa bàn cư trú nhất định. Tính cố kết đó làm cho các thành viên có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như đóng góp vào các phong trào chung ở địa phương.

Về ảnh hưởng tiêu cực, hiện tượng tôn giáo mới có những nơi đã gây ra mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn giữa người theo và không theo, phương hại đoàn kết cộng đồng.

TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh đề xuất, để tôn giáo mới phát triển lành mạnh, đồng hành với sự phát triển trường tồn của đất nước, phù hợp với chủ trương tự do tín ngưỡng của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng tâm linh của nhân dân. đó là: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phố biến và thống nhất trong giải quyết đối với các hiện tượng tôn giáo mới; có định hướng rõ cho việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tôn giáo với tín ngưỡng truyền thống, giữa tôn giáo truyền thống và các hiện tượng tôn giáo mới xâm nhập.